Bí thư Hà Nội yêu cầu dừng việc tháo dỡ nhà cổ 4 mặt tiền ở quận Ba Đình để xây cao ốc
Thành uỷ Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng phá dỡ khu nhà số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) để thi công dự án cao tầng đa chức năng.
Trước thông tin báo chí phản ánh về việc tháo dỡ khu nhà số 61 Trần Phú (quận Ba Đình) để xây dựng dự án cao tầng, ngày 6/4, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Hội yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có).
Bí thư Hà Nội chỉ đạo tạm dừng phá dỡ 'tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền' ở quận Ba Đình. |
Theo đó, Thành uỷ Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, các sở, ngành của TP theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên.
Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4.
Bức phù điêu trên tường dãy nhà kiểu Pháp ở 61 Trần Phú. |
Như Infonet đã đưa tin, tòa dãy nhà Pháp cổ nằm trên khu đất "kim cương" chạy dọc 4 mặt phố Nguyễn Thái Học - Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) đang bị phá bỏ để xây dựng dự án mới.
Được biết, khu đất này do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) quản lý và sử dụng, có tổng diện tích khoảng 9.078 m2. Sau khi bị phá bỏ, công trình mới được xây dựng gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 43.023 m2; chiều cao khoảng 42,9 m.
Dãy nhà duy nhất chưa bị phá bỏ trên mặt phố Hùng Vương. |
Trước đó, ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án công trình đa chức năng Postef tại khu đất này. Trong khuôn viên dự án, trên bức tường của dãy nhà sát ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Trực có bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ, ghi dấu sự kiện "Quân dân Thủ đô bắn rơi tại chỗ máy bay hiện đại Mỹ ngày 19/5/1967".
Trong chiều ngày 5/4, máy móc và công nhân đang thực hiện việc phá dỡ khu nhà. |
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) đề nghị bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu.
Công ty Postef phải báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao, UBND quận Ba Đình phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Quận Ba Đình giao phòng Văn hoá và Thông tin, UBND phường Điện Biên phối hợp với Công ty Postef, các phòng chuyên môn của Sở Văn hoá và Thể thao thực hiện các nhiệm vụ nhằm giữ gìn, bảo vệ bức phù điêu nơi ghi dấu sự kiện ngày 19/5/1967 của Thủ đô Hà Nội.
Bảo Khánh