Bị ngứa toàn thân, đi khám phát hiện ung thư gan
Bệnh nhân T.N.M (47 tuổi, nam, Hà Nội) bị ngứa toàn thân, đi khám bệnh đã tình cờ phát hiện khối u gan.
Bất ngờ đi khám ra u gan
Do bị ngứa lâu, phù cổ chân, hơi đau tức hạ sườn nên ông M. đi khám. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết ông có thói quen uống rượu 1-2 bữa/ngày, viêm gan C phát hiện cách đây 3 tháng nhưng chưa điều trị, thoái hóa khớp gối 2 bên nhưng điều trị không thường xuyên. Gia đình không ai không có ai bị ung thư gan và viêm gan. Ông M cho biết tình cờ đi kiểm tra sức khỏe cùng người quen vì ông nghĩ ngứa có thể là dị ứng.
Dựa vào tiền sử đó, bệnh nhân được được bác sĩ chỉ định kiểm tra khớp gối, bệnh lý ở gan, thực hiện kỹ thuật chẩn hình ảnh (siêu âm tổng quát, X-quang).
Kết quả thăm khám cho thấy: người bệnh không có hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa; hình ảnh X-quang có thoái hóa khớp gối hai bên; Hình ảnh siêu âm, chụp cộng hưởng từ thấy khối u hạ phân thùy S4 gan trái, kích thước 16x18mm, giàu mạch; Xét nghiệm chỉ số ung thư AFP 11.2 ng/mL; kháng thể IgE 1.574 IU/mL.
Khi bác sĩ phát hiện ra nốt ở gan nhưng để chẩn đoán xác định, bác sĩ có hướng dẫn bệnh nhân làm sinh thiết gan dưới hướng dẫn siêu âm. Kết quả giải phẫu bệnh mảnh tổ chức sinh thiết kết luận ung thư biểu mô tế bào gan (HCC - hepatocellular carcinoma).
Ung thư biểu mô tế bào gan là loại tổn thường gặp nhất trong các loại ung thư tại gan và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư tại Việt Nam.
Ảnh minh họa. |
Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư gan, những nhóm có yếu tố nguy cơ cao như người mắc viêm gan B,C, xơ gan, nhiễm độc aflatoxin, rượu,... Vì vậy, những trường hợp này nên cảnh giác kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, tránh biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp của ông M. sau kết quả giải phẫu bệnh chẩn đoán ung thư biểu mô tế nào gan. Sau khi thảo luận các yếu tố nguy cơ, bệnh nền kèm theo cũng như các điều kiện cá thể hóa, trong hội đồng đã quyết định lựa chọn phương pháp phù hợp và tối ưu nhất cho người bệnh trong trường hợp này là đốt sóng cao tần (RFA).
Đây được xem là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu đối với bệnh u gan và được Bộ Y tế cho phép đưa vào điều trị.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2020 về chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan đã hướng dẫn các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào gan, gồm: Phẫu thuật cắt gan, phẫu thuật ghép gan, thực hiện phá hủy khối u gan bằng sóng cao tần RFA.
Trong hướng dẫn này chỉ rõ: Phương pháp RFA phá hủy khối u tại chỗ (đốt u) nên thực hiện cho các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan có số lượng u ≤ 3 với kích thước u ≤ 3cm, hoặc có 1 u với kích thước ≤ 5cm, nhất là khi các trường hợp này không phù hợp để phẫu thuật cắt gan (do vị trí u, do tình trạng bệnh nhân). Phá hủy khối u tại chỗ (đốt u) cũng được coi là biện pháp thay thế cho phẫu thuật cắt gan trong trường hợp u có kích thước nhỏ ≤ 3cm.
Kỹ thuật trị u gan
ThS.BS Nội trú Đào Danh Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, BV Medlatec cho biết đây là ca điều trị đốt sóng cao tần (RFA) u gan thành công, với 3 tiêu chí đánh giá như sau.
Thứ nhất, về vùng đốt, kích thước khối u là 16mm và vùng đốt rộng 35mm nên bảo đảm tiêu chí kỹ thuật bo viền, đốt rộng ra bên ngoài 1cm.
Thứ hai, về đường đốt trên đường kim đốt đi từ trong ra ngoài.
Thứ ba, người bệnh ổn định trong suốt quá trình làm thủ thuật, hoàn toàn có thể tương tác được với bác sỹ. Các kiểm tra sau đốt hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu tụ dịch, tụ máu. Như vậy, cả 3 tiêu chí về diện đốt, dường đốt và biến chứng sau mổ đều rất tốt, đánh giá ca mổ thành công, đúng như dự kiến trước đốt.
Theo BS. Vĩnh, đốt sóng cao tần RFA là kỹ thuật mới trong điều trị ung thư gan nguyên phát, có nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh so với các phương pháp điều trị khác. Do đây là kỹ thuật điều trị triệt căn, phá hủy tại chỗ trực tiếp những lại xâm lấn tối thiểu, đường tiếp cận khối u chỉ bằng rạch da 5mm, chọc kim qua da và xuyên gan đi vào khối u dưới hướng dẫn của siêu âm nên đảm bảo độ chính xác tuyệt đối.
Thời gian thực hiện ngắn (từ lúc chuẩn bị đến khi thực hiện khoảng 40 phút), khác với cuộc phẫu thuật u gan thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Do điều trị bằng sóng nên không để lại sẹo như phương pháp mổ mở thông thường, không cần gây mê nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi điều trị và phục vụ ngay sau khi đốt. Công việc hậu phẫu cũng rất nhẹ nhàng, đơn giản. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân chỉ còn 2-3 ngày, tiết kiệm thời gian, chi phí hậu phẫu của bệnh nhân.
Sử dụng kỹ thuật RFA điều trị, bệnh nhân chỉ cần lưu ý: nằm bất động trong 4 giờ sau điều trị.
BS Vĩnh cho biết thêm, do bệnh nhân có bệnh lý nền viêm gan, xơ gan nên những trường hợp này cắt gan sẽ khó khăn hơn nhiều so với bệnh nhân không có bệnh lý nền. Ngoài ra, bệnh nhân này, vị trí khối u ở trung tâm (hạ phân thùy S4) nên việc cắt gan ở trung tâm sẽ có nhiều khó khăn. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia trong hội đồng hội chẩn thì trong trường hợp này, đốt sóng cao tần là sự lựa chọn tối ưu nhất cho người bệnh.
K.Chi