Bị nghi 'bắt tay' với Triều Tiên, Tập đoàn Rosneft của Nga nói gì?
Tập đoàn Rosneft của Nga phủ nhận thông tin cơ quan này xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên giai đoạn 2018 – 2019 bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Hồi đầu tuần này, công ty nghiên cứu an ninh quốc tế Kharon đặt trụ sở tại Mỹ cho hay, Triều Tiên đã tiếp nhận các sản phẩm dầu mỏ có trị giá khoảng 24,8 triệu USD từ Nga vào năm 2019 và Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft là một trong những công ty xuất khẩu mặt hàng này sang Triều Tiên.
Tập đoàn Rosneft của Nga phủ nhận xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên. (Ảnh minh họa) |
Cũng theo Kharon, Triều Tiên còn nhập khẩu số hàng hóa nhiên liệu trị giá 26 triệu USD vào khoảng thời gian từ năm 2018 – 2019 từ Rosneft và khoảng 100.000 USD từ Tập đoàn Gazprom vào năm 2018.
Song Rosneft đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định thông tin mà Kharon đưa ra là “không có căn cứ và gây ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường dầu mỏ”.
“Rosneft không cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên và không tiến hành bất cứ hoạt động thương mại nào với Triều Tiên. Với tư cách là một trong những người dẫn dắt ngành năng lượng toàn cầu, Rosneft hoạt động tuân thủ chặt chẽ luật pháp của Nga và quốc tế, theo tiêu chuẩn doanh nghiệp và vì lợi ích chung của các cổ đông”, Yonhap dẫn tuyên bố từ Tập đoàn Rosneft.
Theo Rosneft, việc công khai thông tin cáo buộc Rosneft liên quan tới hoạt động cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cho Triều Tiên là hành động “khiêu khích” và công ty sẽ “nộp đơn kiện lên tòa án để bảo vệ quyền lợi và danh tiếng kinh doanh của công ty”.
Trước đó, theo thông tin được Kharon công bố hôm 2/9, các sản phẩm dầu mỏ tinh chế mà Triều Tiên nhập khẩu từ Nga đã tăng gần 16% trong năm 2019, bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế với Bình Nhưỡng.
Kharon dẫn dữ liệu từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho hay, Triều Tiên đã tiếp nhận số hàng hóa dầu mỏ trị giá 24,8 triệu USD từ Nga vào năm 2019. Con số này vào năm 2018 là 20,4 triệu USD.
Những con số tăng trưởng trên cho thấy, khối lượng hàng hóa dầu mỏ và nhiên liệu mà Triều Tiên nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng, bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm giới hạn hoạt động xuất khẩu xăng dầu sang Triều Tiên.
Để đáp trả việc Triều Tiên cho thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa vào năm 2017, Liên Hợp Quốc đã ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng bao gồm giới hạn khối lượng xuất khẩu dầu tinh chế sang Triều Tiên là 500.000 thùng/năm và yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo lên Liên Hợp Quốc.
Tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Triều Tiên sắp lộ diện?
Triều Tiên tiếp tục tăng cường năng lực cho lực lượng tên lửa tầm xa bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ mới.
Minh Thu (lược dịch)