Bi hài quanh chuyện đặt tên ở nhà cho con
Trẻ sẽ hoạt bát hơn khi tên ở nhà không bị bạn bè trêu chọc |
Tên gọi ở nhà không chỉ tạo thêm sự gần gũi với con ngay từ nhỏ, mà còn khá dễ kêu. Thông thường, phụ huynh sẽ dựa vào những đặc điểm lúc con mới sinh ra mà chọn một cái tên để gọi ở nhà cho tiện. Chị Nguyễn Thị Chi (31 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Lúc con bé nhà tôi mới sinh, bé khá bụ bẫm và có làn da rất trắng. Thấy vậy, cả nhà đều thống nhất đặt bé là “heo”. Tên đặt trong khai sinh thì dùng để đi học, ở nhà vợ chồng tôi vẫn gọi con là heo với mong muốn bé mau ăn, chóng lớn, khỏe mạnh”. Nặng 3,5kg khi sinh, đến khi đầy tháng, bé Ngọc Hân (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) nhìn rất sổ sữa. Vì thế, gia đình đặt bé là Sumo. Quả thật, chuyện các bé bây giờ có từ một đến hai tên gọi khi ở nhà không còn hiếm. Thậm chí, nhiều trang mạng xã hội cũng liệt kê hàng loạt cái tên đáng yêu để cha mẹ tham khảo đặt cho con. Chẳng hạn, đặt tên con theo các loại hoa, quả, nhân vật hoạt hình hay vật dụng trong nhà…
Song, xoay quanh việc đặt tên ở nhà cho con cũng có rất nhiều chuyện bi hài, nếu các bậc cha mẹ chọn một cái tên không khéo. “Vừa được sinh ra, em trai tôi đã được các thành viên trong nhà gọi là “cu son”. Cái tên này lúc đầu kêu cũng hơi ngượng nhưng dần dần mọi người đều quen. Đến giờ, dù đã lên lớp 3 nhưng ở nhà nó vẫn được gọi như thế. Một hôm, những đứa trẻ trong xóm đến rủ em tôi đi chơi. Như một thói quen, tôi kêu vọng vào nhà: “Cu son ơi, bạn đến tìm nè!”. Thế nhưng, gọi mãi nó vẫn không trả lời. Mấy đứa bạn đứng đợi lâu quá cũng bỏ về. Lát sau, tôi hỏi sao không trả lời khi được kêu, nó ngượng ngùng nói: “Mai mốt, có bạn em, chị đừng kêu là “cu son” nữa, mà gọi là Nhật Quang (tên khai sinh) đi. Chị kêu cu son, mấy đứa bạn chọc em…”. Nghe xong, tôi mới giật mình vì sự vô ý của mình khiến thằng em trai phải mắc cỡ” – chị Trần Phương Linh (22 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Về phần chị Chi, gọi con là “heo” được một thời gian, chị lại không thích và nói với các thành viên trong nhà gọi tên thật là Minh Anh cho bé quen. Vì theo chị, con gái mà kêu là heo nghe không đẹp và thấy cũng chẳng tốt lắm! Thế nhưng, một khi bé đã quen với tên “heo” rồi, cha mẹ muốn thay đổi cũng không phải là chuyện một sớm, một chiều. “Từ khi quyết định bỏ tên “heo”, ai kêu tên thật bé cũng đều không phản ứng gì. Chúng tôi gọi lại tên “heo”, bé lại chạy đến ngay. Tôi và ông xã mất rất nhiều thời gian để nói cho bé hiểu rằng Minh Anh mới là tên của con. Phải đến vài tháng sau, con bé mới quen với tên Minh Anh” – chị Chi bày tỏ.
Có thể nói, việc đặt tên ở nhà cho con không chỉ là cách gọi trìu mến dành cho con, mà dường như đã trở thành trào lưu. Thậm chí, ai không đặt tên ở nhà cho con còn bị cho là “lạc hậu”. Nhưng, những cái tên ấy chỉ đáng yêu khi trẻ còn nhỏ. Đến lúc trẻ đã lớn, liệu cái nickname ấy có còn phù hợp nữa hay không? Chưa kể, nhiều trẻ sẽ trở nên mắc cỡ với bạn bè về cái tên ở nhà của mình. Đáng lo hơn là trẻ sẽ quên tên thật của mình. Điều này vô tình làm mất đi giá trị và ý nghĩa của cái tên thật mang nhiều kỳ vọng mà các bậc phụ huynh gửi gắm vào đấy!
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN/Báo An Giang