Bị đái tháo đường ăn kiêng xưa rồi: Đây mới là bí quyết
Nhiều bệnh nhân khi biết mình mắc bệnh đái tháo đường đã hoang mang lo lắng và đặc biệt là tìm cách ăn kiêng tối đa với hi vọng đường huyết giảm.
TS BS Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết có rất nhiều bệnh nhân khi tới khám bệnh được chẩn đoán đái tháo đường họ đã vô cùng lo lắng và nghĩ ngay ra cách ăn kiêng, nhịn ăn với hi vọng sẽ chữa khỏi. Nhưng đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm vì nhịn ăn, bỏ bữa, ăn kiêng khem càng nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường.
Có bệnh nhân nhịn ăn sáng dẫn tới hạ đường huyết quá mức. Bữa ăn sáng cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động nếu bỏ bữa ăn này hoàn toàn không tốt. TS Bảy nhấn mạnh người bị đái tháo đường tuyệt đối không bỏ bữa ăn nào mà ăn đúng, ăn đủ.
Theo hướng dẫn điều trị của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2021, những bệnh nhân đái tháo đường nên duy trì đường huyết trước bữa ăn từ 4,4 - 7,2 mmol/l và đường huyết sau ăn (từ 1-2h) là dưới 10 mmol/l. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu đường huyết cho những người bệnh đái tháo đường nói chung, còn tùy mỗi người sẽ có mục tiêu đường huyết cụ thể cao hơn hoặc thấp hơn mức trên.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – từng công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết ăn kiêng để trị đái tháo đường là sai lầm hay gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường.
Ảnh minh hoạ. |
Theo Thạc sĩ Cường hiện giờ không còn khái niệm ăn kiêng chữa bệnh đái tháo đường nữa. Từ hơn 40 năm nay, chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường được khuyến cáo ăn cân bằng đủ chất và gần tương tự người không mắc bệnh. Có khác chỉ là người bị đái tháo đường nên chú ý nhiều hơn đến cân nặng, lượng chất bột đường trong từng bữa ăn, biết cân bằng khối lượng ăn với mức đường máu tùy theo từng thời điểm. Không cấm ăn bất cứ loại thức ăn nào, dù đó là chất bột đường hay chất béo, vì cơ thể cần tất cả những chất đó để sống. Bí quyết ở đây là khối lượng được ăn và thời điểm ăn như thế nào.
Thạc sĩ Cường cho biết để xây dựng chế độ ăn cho 1 người mắc đái tháo đường cụ thể, các bác sỹ cần phải xem xét một cách tổng thể thể trạng người đó, mức độ vận động, thói quen ăn uống sinh hoạt, mức độ đường máu và mỡ máu hiện tại, các bệnh liên quan khác như huyết áp, gút, tăng mỡ máu và thậm chí cả mức kinh phí người đó có thể dành cho việc ăn uống nữa. Không có chế độ ăn áp dụng chung cho mọi bệnh nhân mắc đái tháo đường.
Nhưng thực tế có những người bị đái tháo đường thì cùng nhau chia sẻ đơn thuốc, chia sẻ thực đơn, điều này lợi bất cập hại vì cơ thể mỗi người khác nhau, không ai giống ai nên không thể áp dụng chung cho 1 đơn thuốc, 1 thực đơn.
Bình thường trước đây bệnh đái tháo đường type 2 trước đây được hiểu là bệnh đái tháo đường ở người già, nhưng ngày nay với lối sống thay đổi quá nhanh đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều bệnh nhân trẻ béo phì và đái tháo đường type 2. BS Cường đã ghi nhận có những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 mới 11 tuổi. Dự báo trong tương lai khi số học sinh béo phì tăng lên, số trẻ mắc đái tháo đường type 2 sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Thạc sĩ Cường cho biết bệnh đái tháo đường điển hình có các triệu chứng: đái nhiều, khát nước uống nhiều, gầy sút cân...; nhưng bệnh tiểu đường thường có giai đoạn không có bất kỳ triệu chứng gì. Giai đoạn này có thể kéo dài 10 năm, do đó một nửa số bệnh nhân đái tháo đường khi được chuẩn đoán đã có biến chứng do đường máu tăng cao không biết.
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể chuẩn đoán được gần 40% số bệnh nhân đang mắc đái tháo đường. Do vậy, lời khuyên của bác sĩ tất cả mọi người trên 40 tuổi nên thử đường máu 3 năm/lần. Đấy là cách đơn giản nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Các bạn có thể đến các bệnh viện và các trung tâm y tế để thử máu.
Khánh Chi