BHYT giúp đồng bào DTTS hưởng y tế kỹ thuật cao
Người dân siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu |
An tâm chữa bệnh
Căn cứ Khoản 4, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Điều 4 Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, UBND xã có trách nhiệm lập danh sách người tham gia BHYT thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hằng năm gửi cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện rà soát, xác định đúng đối tượng được cấp thẻ BHYT.
Nhờ đó, nhiều người dân thuộc vùng khó khăn dân tộc thiểu số đã được cấp thẻ BHYT để khám chữa bệnh.
Anh Lưu Văn Bạt – dân tộc Mường ở Vân Hồ, Sơn La bị ung thư xương. Nhờ có tấm thẻ BHYT anh yên tâm điều trị tại Bệnh viện K. Anh Bạt tâm sự nếu không có thẻ BHYT chắc anh không dám đến viện vì cả nhà anh đều trông vào năm 2 vụ ngô và con bò. Anh Bạt nằm trong đối tượng được cấp thẻ BHYT do Nhà nước chi trả.
Hay như trường hợp của anh Lò Văn Mừng – Mai Sơn, Sơn La bị suy thận phải chạy thận chu kỳ. Nhờ có tấm thẻ BHYT mà anh Mừng yên tâm trị bệnh không phải lo các khoản kinh phí mỗi khi nằm viện chữa trị.
Nếu không có thẻ BHYT thì chi phí của người chạy thận trong một tháng khoảng 12 triệu đồng trở lên. Anh Mừng thuộc đối tượng nghèo ở vùng III được miễn giảm 100%.
Theo mức chi trả của BHYT, các đối tượng khác mua BHYT ở vùng I, vùng II thì phải chi phí khoảng hai triệu đồng/tháng. Những người bị bệnh mãn tính như anh Mừng có tấm thẻ BHYT giống như phao cứu sinh.
Thụ hưởng y tế kỹ thuật cao
Ông Lường Bun Tỉnh - Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sơn La chia sẻ, mấy năm nay đời sống của đồng bào đã từng bước đổi thay theo hướng tích cực và đạt được những tiến bộ đáng khích lệ. Đạt được kết quả đó là nhờ có chính sách đúng đắn, mang tính nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong đó có chính sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng là người dân tộc sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và các đối tượng khác theo luật định.
Trước đây khi chưa có chính sách BHYT, nếu chẳng may bị ốm, đồng bào tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian, đến khi bệnh nặng mới chuyển vào bệnh viện, nên thường bệnh không khỏi. Có nhiều nguyên nhân khiến bà con ngại đến bệnh viện như: Giao thông đi lại khó khăn; Tâm lý không muốn xa nhà; nhận thức… nhưng lý do cơ bản nhất là khả năng kinh tế, bởi phần đa đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, việc chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế (chưa kể các các bệnh hiểm nghèo phải chi phí lớn) vượt quá khả năng kinh tế của bà con. Điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, mà còn là rào cản cho sự phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của mỗi địa phương.
Nhờ có thẻ BHYT mà đồng bào dân tộc thiểu số cũng được thụ hưởng các tiến bộ về y học, là yếu tố rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số của Sơn La.
Mặt khác chính sách BHYT đã giúp đồng bào giảm bớt khó khăn về kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ổn định đời sống, sản xuất; đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và tiếp tục củng cố lòng tin của của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước
Ông Thiều Quang Ngãi - Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La cho biết, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng nhanh và bền vững người tham gia bảo hiểm y tế, phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt tỷ lệ bao phủ là 95,5% dân số. Theo ông Ngãi đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh Sơn La có hơn 1.168.000 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ gần 95%.
BHXH tỉnh Sơn La tích cực hoạt động tuyên truyền tới cơ sở, các tổ, bản với những nội dung ngắn gọn, thiết thực như: Khi vào viện nếu không có thẻ bảo hiểm y tế thì gánh nặng viện phí sẽ tăng lên; minh chứng những trường hợp phải trả viện phí với số tiền lớn nhưng nhờ có thẻ bảo hiểm y tế nên đã được giảm trừ phần lớn. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý đến tận các xã, bản; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.