Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh hỗ trợ y tế biển đảo
Các bác sĩ Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh đi thực tế tại trung tâm y tế huyện đảo Cô Tô |
Thoát chết nhờ phát triển y tế biển đảo
Chị Nguyễn K. V 33 tuổi trú tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh may mắn thoát chết trong ca đẻ khó. Chị mang thai lần thứ 2 và khi vào trung tâm y tế sinh con bị bị khó sinh, thai có dấu hiệu suy thai.
Ngay lúc đó, các bác sĩ ở huyện đảo đã “cầu cứu” bệnh viện Sản Nhi trung ương. Nhận lệnh, kíp bác sĩ lên đường ra đảo ngay tức khắc. Sản phụ và cháu bé được cấp cứu thành công và đưa vào đất liền điều trị.
Đó chỉ là một trong hàng trăm ca cấp cứu khó được các bác sĩ hỗ trợ từ đất liền.
Từ đầu năm 2016, Sở Y tế Quảng Ninh giao Bệnh viện Sản - Nhi thực hiện hỗ trợ toàn diện cho Trung tâm y tế huyện Cô Tô.
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau nhiều chuyến làm việc, khảo sát, đơn vị cử nhân lực luân phiên giúp đỡ Trung tâm y tế Cô Tô về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; hoàn thiện quy trình nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Những lĩnh vực là thế mạnh của đơn vị tuyến tỉnh, thiết thực với cơ sở y tế nơi đảo xa được tập trung chuyển giao là: Sản phụ khoa; nhi khoa; chẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm; gây mê hồi sức. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động cho người dân các xã, thị trấn trên đảo.
Để việc hỗ trợ được hiệu quả cao, phía Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh phải đi khảo sát rất nhiều lần, các bác sĩ tuần nào cũng xuống trung tâm “cầm tay chỉ việc”.
Theo bác sĩ Hùng bệnh viện đã hỗ trợ tổng thể từ đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ; chuyển giao các kỹ thuật được xây dựng phù hợp điều kiện thực tế.
Các kỹ năng xử trí cấp cứu nhiều trường hợp bị bỏng điện, sốc phản vệ, đau quặn thận, hen phế quản cấp… đồng thời khám, tư vấn điều trị nội trú một số bệnh lý hay gặp ở trẻ em như: viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, dị ứng cấp… hoặc những ca cấp cứu nặng băng huyết sau đẻ, cắt viêm ruột thừa cấp cứu…đến nay bác sĩ ở huyện đảo Cô Tô đã có thể làm được.
Giữ chân được người bệnh
Cách đất liền 32 hải lý, huyện đảo Cô Tô là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trung tâm Y tế huyện Cô Tô có quy mô 20 giường bệnh nhưng thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho gần 7.000 người dân của huyện và bốn xã của các huyện Hải Hà, Thủy Nguyên (Hải Phòng) và ngư dân của nhiều tỉnh từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa ra khai thác thủy sản.
Giám đốc Trung tâm Y tế Cô Tô Nguyễn Tiến Phương cho biết, đội ngũ y, bác sĩ phần lớn là cán bộ tuổi đời trẻ, trình độ chuyên môn còn hạn chế, lại kiêm nhiệm.
Hiện nay, bác sĩ Phương cho biết việc thu hút bác sĩ giỏi ra đảo công tác gặp trở ngại lớn do thiếu cơ chế đãi ngộ, môi trường công tác thiếu thốn, xa gia đình... do đó chất lượng công tác khám, chữa bệnh tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa đáp ứng kịp nhu cầu của người dân.
Không chỉ khó khăn về nhân lực, bác sĩ Phương cho rằng các khó khăn về trang thiết bị vẫn chưa được đồng bộ. Bắt đầu từ năm 2016, khi nhận những hỗ trợ chuyển giao từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô đã xây dựng quy trình xét nghiệm chuẩn, phù hợp; định nhóm máu hệ ABO, Rh bằng hai phương pháp huyết thanh mẫu, hồng cầu mẫu trên ống nghiệm; cách nhận định, phân tích kết quả xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu; cách lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sinh học, huyết thanh theo đúng quy trình; chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa máu cơ bản, xét nghiệm sinh hóa nước tiểu…
Ngoài giúp đỡ về mặt chuyên môn, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh còn thường xuyên cử các nhóm kỹ sư ra đảo sửa chữa, hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật của các trang thiết bị y tế như: máy nội soi, siêu âm, gây mê kèm thở, nội soi tai mũi họng, hút dịch, ghế răng… đồng thời hướng dẫn nhân viên y tế ở trung tâm quản lý, bảo quản trang thiết bị để tăng cường hiệu quả khi sử dụng.
Với sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả đó, đến nay công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên huyện đảo Cô Tô đã có nhiều tiến bộ.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đến nay, các cơ sở y tế được cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Người dân trên các xã đảo, huyện đảo được hưởng thụ chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa ngành y tế và lực lượng quân y ngày càng trở nên hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trên biển và các đảo xa bờ, thật sự trở thành chỗ dựa cho ngư dân khi ra khơi, khi biển động.