Bệnh viện công - tư "bắt tay" để giảm tải bệnh viện
Ngày 14/3/2014, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện khu vực các tỉnh phía Bắc. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Hiện nay, quá tải tại các bệnh viện công lập đang là vấn đề gây bức xúc nhất cho người dân, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã trình và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt "Đề án giảm tải bệnh viện". Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế tập trung vào một số giải pháp như: tăng số lượng giường bệnh; thiết lập bệnh viện vệ tinh; xây dựng mạng lưới bác sỹ gia đình, phòng khám đa khoa; nâng cao chất lượng y tế cơ sở và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Chính vì vậy, hội nghị được tổ chức nhằm tập hợp các ý kiến đóng góp thiết thực để giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện công lập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và tăng cường phối hợp giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân.
Hiện nay, cả nước có khoảng 170 bệnh viện tư nhân. Hầu hết các bệnh viện này có cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tốt; đội ngũ y bác sỹ tận tình, chu đáo... Tuy nhiên, chưa có nhiều bệnh viện tư nhân có thương hiệu khiến tỷ lệ khám chữa bệnh của khối này vẫn rất thấp, chỉ chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú; 56,9% số bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh dưới 60%. Đặc biệt, bệnh viện tư nhân chỉ phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế...
Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện công, cần có những mô hình đầu tư hợp tác công - tư phù hợp. Trên thực tế, ngành y tế đã thực hiện một số hình thức đầu tư kết hợp công - tư như liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh hay còn gọi là xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, sự tham gia của tư nhân theo hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa bền vững. Vì vậy, nhiều chuyên gia kỳ vọng, mô hình bệnh viện công - tư có thể mang đến những giải pháp bền vững, dài hạn để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.
Hiện đã có nhiều dự án đầu tư công - tư trong lĩnh vực y tế, trong đó Hà Nội có dự án của Trường ĐH Y Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở Đại học y tế công cộng, Dự án xây dựng cơ sở II Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Dự án xây dựng cơ sở II Bệnh viện Mắt TƯ, Dự án do Tập đoàn Hellman - CHLB Đức đầu tư cung ứng dịch vụ hậu cần tại các bệnh viện.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để có một cơ chế phát triển tốt hơn nữa cho hệ thống y tế công lập và tư nhân, Bộ Y tế cần khuyến khích phát triển hợp tác chuyên môn giữa bệnh viện công và tư để tận dụng công suất, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; có cơ chế, chính sách mở cho phép bác sỹ từ công lập sang bệnh viện tư khám, điều trị cho bệnh nhân khi được mời hoặc tham gia làm việc ngoài giờ tại các bệnh viện tư. Đồng thời cho phép chuyển bảo hiểm và bệnh nhân từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư để khám, điều trị theo nhu cầu của khách hàng; cấp phép hoạt động cho các chuyên gia, bác sỹ người nước ngoài đến khám và điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện tư...