Bệnh nhân tâm thần làm "trùm bảo kê", đòi nợ thuê, có thoát tội?
Theo luật sư, người tâm thần phạm tội vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế chứ không phải mất năng lực hành vi.
Chiều 31/5, Công an Hà Nội cho biết đã tạm giữ Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng Ốt, 39 tuổi, trú quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cùng 6 nghi phạm để điều tra hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Dũng tại cơ quan công an. |
Theo điều tra của cảnh sát, năm 2011, Nguyễn Việt Dũng bị Công an Hà Nội khởi tố về tội "Giết người" nhưng nghi phạm này bỏ trốn. Trong quá trình bỏ trốn, Dũng làm bệnh án tâm thần rồi ra cơ quan công an để đầu thú.
Căn cứ kết quả giám định, cơ quan chức năng bắt buộc Dũng đi chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (huyện Thường Tín, Hà Nội).
Trong quá trình điều trị, Dũng bị cáo buộc lợi dụng các mối quan hệ tại cơ sở y tế này, trốn ra ngoài để điều hành nhóm đàn em lập nhiều bãi trông xe tự phát, buôn vật liệu xây dựng và hoạt động tín dụng đen.
Từ năm 2014, Dũng nhiều lần rời nơi chữa bệnh, cấu kết với Ngô Quang Trung (41 tuổi, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) và một số người khác lấn chiếm các khu đất trống cạnh một số dự án xây dựng ở các quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ. Sau đó, Dũng cùng các nghi phạm đặt container và dựng lán trại để kinh doanh dịch vụ trông xe.
Trong số các đàn em, Dũng trực tiếp đưa cho Trung 1 tỉ đồng để người này thay ông trùm điều hành đường dây cho vay lãi nặng với lãi suất 3.000-5.000 đồng/1 triệu/ngày.
Cùng với đó, Dũng giao cho Phan Anh Nhàn (38 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) cầm đầu nhóm đi đòi nợ thuê. Nếu người vay tiền không trả, các nghi phạm nhắn tin, gọi điện đe dọa hoặc ném chất bẩn để "khủng bố". Toàn bộ tiền thu về được Ngô Quang Trung ghi sổ sách, chụp ảnh rồi gửi cho Dũng để báo cáo.
Vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 24/5, Phòng Cảnh sát hình sự đồng loạt bắt giữ 7 đối tượng gồm: Nguyễn Việt Dũng, Ngô Quang Trung, Phan Anh Nhàn cùng 4 nghi phạm khác về hành vi cho vay lãi nặng.
Khi khám xét các khu lán ở nhiều bãi trông xe, cảnh sát thu giữ nhiều loại hung khí và sổ sách ghi chép hơn 500 người vay lãi nặng của đường dây này.
Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án để làm rõ thêm dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc và bảo kê liên quan băng nhóm do Nguyễn Việt Dũng cầm đầu.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tâm) cho biết: “Nếu trong quá trình điều tra, xác minh được nhóm của Dũng còn có các hành vi tổ chức bảo kê, đòi nợ trái pháp luật với các hình thức như nhắn tin, đe dọa, ném chất bẩn khủng bố người vay nợ, thì tùy theo mức độ, tính chất, các đối tượng có thể bị phạt hành chính.
Mức độ cao hơn, nếu đủ căn cứ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nhóm của Dũng về tội "Cướp tài sản" theo Điều 168 và tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 theo Bộ luật Hình sự. Nhóm này cũng bị kết tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 hoặc "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" theo Điều 134….”.
Luật sư Nguyễn Thiện Hiệp phân tích về vụ việc. |
Nói về hồ sơ bệnh án tâm thần của Nguyễn Việt Dũng, luật sư Nguyễn Thiện Hiệp nêu quan điểm: “Theo thông tin ban đầu, Dũng bị khởi tố từ năm 2011 trong vụ án giết người. Do có bệnh án tâm thần, Dũng phải điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.
Hiện việc xác minh thông tin về hồ sơ bệnh án của Dũng chưa được cơ quan chức năng điều tra, công bố. Do đó, tôi sẽ không bàn luận về việc hồ sơ của Dũng là đúng hay sai. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật đối với việc người tâm thần phạm tội, tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Việc kết luận một người có thực hiện hành vi phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần hay không phải dựa vào kết quả giám định. Đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế chứ không phải mất năng lực hành vi”.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Còn Điều 321 quy định về tội đánh bạc như sau: Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: Có tính chất chuyên nghiệp; Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Tái phạm nguy hiểm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Sông Yên
Những chuyện động trời ở BV Tâm thần Trung ương 1: Bán bệnh án giả cho tội phạm, gọi "gái dịch vụ" vào buồng bệnh
Bán bệnh án tâm thần giả cho tội phạm, để tội phạm lập phòng bay lắc, bán ma túy, đưa cả "gái gọi" vào ngay tại buồng bệnh - những chuyện tưởng đùa nhưng đã xảy ra tại BV Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội).