Bến Tre: Tận dụng kênh thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm chủ lực
Mặc dù dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng trong năm 2021, các hoạt động, sản xuất tiêu dùng bền vững, đặc biệt là việc phát triển, quảng bá hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã đạt những kết quả khả quản.
Kể từ khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, các sản phẩm và thương hiệu nội địa đã trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, năm 2021, Sở Công Thương đã tạo lập, quản lý, phát triển và công bố chỉ dẫn địa lý "Cái Mơn" dùng cho sản phẩm sầu riêng tỉnh Bến Tre; chỉ dẫn địa lý "Bến Tre" dùng cho sản phẩm cua biển và tôm càng xanh của tỉnh Bến Tre; cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu hơn 450 thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thông tin cảnh báo về các rào cản kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới ban hành có liên quan đến sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 172 chợ, 2 trung tâm thương mại, 4 siêu thị, hơn 60 cửa hàng tiện ích, siêu thị mini; phát triển hệ thống phân phối bền vững. Vì vậy tỉnh ưu tiên hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường đối với các đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường; ngoài ra chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử năm 2021; kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021-2022.
Phát triển, quảng bá các mặt hàng chủ lực trên sàn thương mại điện tử. |
Để đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử, tỉnh Bến Tre cũng hoàn thành đề án cung cấp gói giải pháp SEO thông minh qua landing pages cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng các hoạt động xúc tiến có hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với thị trường; hỗ trợ và phát triển có hiệu quả các cửa hàng trưng bày, giới thiệu các đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đến các tỉnh, thành trong cả nước;
Hỗ trợ đưa các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất tiêu biểu của tỉnh thực hiện phân phối qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử; vận hành hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử Đặc sản Bến Tre, cụ thể: hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Sendo với sự kiện "Ngày hội xứ Dừa – Quê hương Bến Tre", hỗ trợ đưa sản phẩm của doanh nghiệp Bến Tre giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử ”Đặc sản Bến Tre”, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến.
Thông qua chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”, các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất tại Bến Tre sẽ được chuyển tới tận tay người tiêu dùng Việt trong cả nước thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử một cách nhanh chóng với chi phí thấp và định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam. Đặc biệt, sự kiện cũng là những hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và mở ra hướng đi mới cho cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Khánh Chi