Bé gái 11 tháng tuổi ngã nứt xương sọ
Ngay lập tức, gia đình đã chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu. Kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chẩn đoán bé C. bị chấn thương sọ não, máu tụ ngoài màng cứng đỉnh chẩm trái.
Sau khi hội chẩn liên khoa: Nhi, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở hộp sọ lấy máu tụ, cầm máu và ghép lại ngay xương sọ cho bệnh nhi.
Sau khi gây mê nội khí quản, phẫu thuật viên tiến hành bóc tách tổ chức dưới da bộc lộ xương sọ, thấy đường vỡ xương lan từ vùng chẩm trái lên đến đỉnh; tiếp tục cắt xương xung quanh vùng máu tụ đã xác định từ trước. Bên dưới, nhiều máu tụ ngoài màng cứng vùng hố sau, chẩm và đỉnh trái.
Khối máu tụ đã tạm thời đông đặc nhưng vẫn có dấu hiệu chảy máu liên tục từ đường vỡ xương và xoang tĩnh mạch ngang. Kíp mổ lấy máu tụ ngoài màng cứng, thực hiện cầm máu nguồn chảy. Cuối cùng đặt lại xương, dẫn lưu và đóng vết mổ.
Ca mổ diễn ra trong 2 giờ. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhi tỉnh táo, bú tốt, không nôn. Đến ngày 4/3, sức khỏe bé tiến triển tốt, không quấy khóc, ăn ngủ và vận động bình thường, vết mổ khô.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết, có rất nhiều nguy cơ khi phẫu thuật cho bệnh nhi chưa đầy 1 tuổi bị chấn thương gây tụ máu sọ não. Ở trẻ rất nhỏ, cơ thể và não bộ vẫn đang quá trình hoàn thiện, vì thế từ công đoạn gây mê hồi sức đến mọi thao tác khi phẫu thuật phải rất cẩn trọng và tỉ mỉ.
"Chỉ cần không cẩn thận, bác sĩ chạm vào các khu vực não bộ quan trọng (vùng ngôn ngữ, vận động) sẽ tác động không nhỏ đến các vùng chức năng của bệnh nhi, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ", bác sĩ Dũng nhận định.
Bệnh nhi bị chấn thương sọ não gây tụ máu nếu được chẩn đoán nhanh, cấp cứu phẫu thuật chính xác, kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các nguy cơ di chứng thần kinh, yếu liệt vận động.
Võ Thu