Bé 5 tháng tuổi tử vong vì căn bệnh mà trẻ nào cũng hay gặp
Trẻ tiêu chảy 5 ngày, người nhà tự cho uống thuốc nhưng không đỡ, bé được đưa đến Trung tâm Y tế rồi bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
10h20 phút ngày 8/12, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhi H.V.T, 5 tháng tuổi được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Thạch An trong tình trạng li bì, phản xạ yếu, thở yếu.
Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện tỉnh đã nhanh chóng tiến hành thăm khám, cấp cứu khẩn trương với chẩn đoán: Suy hô hấp/bệnh nhân tiêu chảy.
Người nhà cho biết, cháu xuất hiện tiêu chảy đã 5 ngày, người nhà tự cho uống thuốc ở nhà nhưng không đỡ, sau bé khóc nhiều, nôn, sốt. Cháu được đưa đến Trung tâm Y tế Thạch An và chuyển tuyến Bệnh viện tỉnh điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ có sốc nhiễm khuẩn, tiên lượng rất nặng. Trẻ được cấp cứu, điều trị tích cực tại Khoa Nhi. Mặc dù các y, bác sỹ đã hết sức tận tình cứu chữa nhưng do tình trạng nguy kịch bệnh nhi đã tử vong.
Ảnh minh hoạ |
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc toé nước ít nhất 3 lần/ 24 giờ. Hàng năm, trên thế giới có khoảng từ 1,5 - 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy.
Đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em sau nhiễm trùng đường hô hấp.
Theo Ths.Bs Châu Tố Uyên, khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Đồng 1, mặc dù tiêu chảy cấp hiếm khi nghiêm trọng nên hầu như chỉ cần chăm sóc cho bé tại nhà, tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng các chất điện giải (natri, kali, clorua) nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.
Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus. Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng vi khuẩn, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và nhiễm trùng ngoài hệ tiêu hóa. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây ra tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy thường có các biểu hiện: Biếng ăn; Bú kém; Đau bụng; Nôn ói; Tiêu chảy nhiều lần, có thể 1-2 lần đầu phân sệt, tiếp theo phân lỏng, màu vàng hoặc xanh rêu, có đờm, máu lẫn trong phân… đi kèm với đó là các triệu chứng đi kèm theo: Sốt, sốt cao, trẻ bứt rứt, quấy nhiều, khát nước, môi khô, mắt và thóp trũng, bụng chướng.
Có trẻ lại có biểu hiện tiêu chảy nhiều lần kèm nôn ói nhiều liên tục dễ đưa đến mất nước nặng, rối loạn tri giác li bì, lơ mơ, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, suy hô hấp trụy mạch, co giật, hôn mê và tử vong không nếu không điều trị kịp thời.
Do đó, để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em, các bác sĩ Nhi khoa khuyến cáo tốt nhất nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non có nhiều kháng thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh suy dinh dưỡng.
Tiêm phòng vắc xin ngừa tiêu chảy: Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa tiêu chảy do Rotavirus – loại virus hay gặp nhất và dễ gây mất nước nặng ở trẻ em. Vắc xin được cho trẻ uống từ 2 - 6 tháng tuổi, uống 2 lần cách nhau ít nhất 1 tháng.
Người chăm sóc cũng cần vệ sinh ăn uống cho trẻ, ăn chín, uống sôi, thức ăn cho trẻ phải đảm bảo tươi và đủ chất.
Đặc biệt vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi cho trẻ ăn và khi chăm sóc vệ sinh trẻ.
Đáng lưu ý, các bác sĩ Nhi, BV Cao Bằng cũng khuyến cáo trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các phụ huynh cũng không nên quá e ngại mà không đưa trẻ đi viện kịp thời, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị. Người dân cũng tuyệt đối không tự ý dùng thuốc và các mẹo dân gian khác cho trẻ tại nhà.
Bé 10 tuổi bị chó cắn nát mặt
Với tổn thương nghiêm trọng trên môi, má, mắt, ngách tiền đình… bệnh nhi được tiêm phòng dại, phẫu thuật cấp cứu rồi tiếp tục chuyển lên tuyến trung ương .
N. Huyền