Trẻ 'nhớ nhớ, quên quên' khi đã khỏi Covid-19 có đáng lo?
Sau khi điều trị khỏi Covid-19 con cái học hành sa sút, không tập trung, hay mệt mỏi, mất ngủ là nỗi niềm lo lắng của nhiều phụ huynh.
Chị Trần Thị Ngọc V, (Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM) chia sẻ, cả gia đình chị trở thành F0 vào giữa tháng 7, sau đó, cả nhà đi vào bệnh viện dã chiến cách ly. Trong hai cháu có bé Huy A. 11 tuổi có triệu chứng ho, sốt, mất khứu giác trong 7 ngày. Bé gái 8 tuổi không có triệu chứng gì nhiều.
Sau khi hết thời gian cách ly trở về nhà, cả hai bé hay rơi vào cảm giác chới với khi ngủ. Đặc biệt, khi đi học online, các con không tập trung. 4 năm đều là học sinh giỏi nhưng giờ con trai chị có hiện tượng nhớ nhớ, quên quên. Nhiều khi cô giao bài tập nhưng cậu bé không nhớ cô giao gì. Đây là điều khác thường vì trước kia Huy A. rất tự giác trong học hành, bài tập hoàn thành đầy đủ.
Bà mẹ này lo lắng liệu đây có phải cậu bé bị các triệu chứng hậu Covid-19 hay không. Như chồng chị V. sau khi khỏi bệnh vẫn có những cơn khó thở, hụt hơi, ho ngứa họng.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, trẻ mắc Covid-19 thường là nhẹ và trung bình trong khoảng 2-4 tuần hết bệnh. Những trường hợp nặng, nguy kịch có thể kéo dài 1-1,5 tháng nhưng đều là các bé có bệnh mãn tính, bẩm sinh, béo phì.
Giống như người lớn, trẻ em mắc Covid-19 xong vẫn có thể bị ảnh hưởng hậu Covid-19. Trẻ có thể có các triệu chứng mệt mỏi, thi thoảng ho khan, hụt hơi, hồi hộp, đánh trống ngực, ăn ngủ thất thường, ngày ngủ nhiều, đêm trẻ lại thức, đặc biệt trẻ khó tập trung hơn trước. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng không hiểu, không nhớ những gì cô giáo giảng bài.
Theo các nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc Covid-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu Covid-19 chiếm 6-15%. Ví dụ một thống kê ở Anh Quốc, có 15% trẻ ở lứa tuổi 12-16 có triệu chứng hậu Covid-19.
Ảnh minh họa. |
Thậm chí, có trường hợp trẻ bị các triệu chứng hậu Covid-19 nặng như co giật, rối loạn tri giác, bại não,… nhẹ thì nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, biểu hiện rối loạn vận động, yếu tay chân, đi lại khó khăn, hội chứng Guillain Barre, rối loạn về hành vi nhận thức như quên, không nhận thức được sự việc mà trước đây trẻ rất rành. Trẻ cũng có thể bị rối loạn tâm thần do thời gian cách ly khi mắc bệnh.
BS Tiến cũng cho biết các nghiên cứu gần đây cho thấy virus có thể tấn công lên não, hệ thống nội mạc mạch máu não, gây tình trạng tăng đông, huyết khối dẫn tới giảm tưới máu được cho các vùng vỏ não phụ trách trí nhớ, hành vi, chữ viết,.. dẫn đến rối loạn và tác động sâu đến trẻ.
Sau nhiễm SARS-CoV-2, một số trẻ có biểu hiện phản ứng viêm mạnh sau đó. Có nhiều trẻ trong lúc dương tính với virus thì không có triệu chứng nhưng sau 2 – 6 tuần lại bị sốt cao, đau bụng, tiêu chảy, đỏ da, lưỡi đỏ, các ngón tay chân sưng nhẹ, hồng ban, tim đập nhanh, mạch vành có thể giãn, còn gọi là hội chứng viêm đa hệ thống.
Đa phần các triệu chứng của trẻ sẽ hết sau 3 tháng khỏi bệnh. Tuy nhiên, nếu qua 3 tháng không cải thiện, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh có thể cho trẻ tới cơ sở y tế kiểm tra.
Những trẻ có biểu hiện giảm trí nhớ, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, làm trẻ khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập cần có chuyên gia tư vấn tâm lý, cha mẹ và thầy cô cùng nhau hỗ trợ để các em vượt qua mặc cảm và tự ti.
Bên cạnh đó, các bác sĩ, chuyên gia tâm lý có thể giúp trẻ bình tâm, vui vẻ hơn, chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn trẻ luyện tập những bài tập vận động, xoa bóp để giúp giảm đau cơ, đau khớp, vật lý trị liệu hô hấp tập thở hiệu quả.
K.Chi
Nhiều ca F0 ở Hà Nội tự ý di chuyển vào bệnh viện
Đến nay khi thành phố Hà Nội đã cho F0 cách ly, điều trị tại nhà, nhiều người tự test nhanh có kết quả dương tính đã tự ý vào bệnh viện gây khó khăn cho công tác điều trị và nguy cơ lây lan dịch.
Vì sao sống chung nhà với F0 vẫn âm tính, 3 tình huống có thể xảy ra
Có nhiều người khi cả gia đình xét nghiệm dương tính nhưng riêng bản thân lại âm tính. Các bác sĩ cho rằng có 3 tình huống có thể xảy ra.