Bảy bài toán ASEAN cần giải để phát triển kinh tế bền vững
Theo tờ Philstar, Giáo sư Ishtiaq Pasha Mahmood tại Đại học Quốc gia Singapore đã cho công bố một bài viết chỉ rõ 7 thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt ngay trước khi diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội từ ngày 11 – 13/9.
Trong bài viết, ông Pasha nhận định ASEAN gồm 10 thành viên là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đạt tổng GDP là 2,77 ngàn tỷ USD vào năm 2017. Theo dự đoán, tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ đạt 5,3%/năm vào năm 2019.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội từ ngày 11 – 13/9. (Nguồn chinhphu.vn) |
Tuy nhiên, cũng theo ông Pasha, ASEAN sẽ đối mặt với 7 thách thức trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Đầu tiên là sự ổn định địa chính trị và các mối quan hệ trong khu vực. Các nước ASEAN có đường biên giới với 2 siêu cường kinh tế thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, ông Pasha nhận định nếu chính phủ các nước ASEAN phối hợp chặt chẽ hơn và cùng hướng tới những mục tiêu chung, toàn khu vực sẽ thúc đẩy được sự ổn định và bớt được cảnh xung đột.
Thứ hai, ASEAN là nơi hội tụ của đa dạng các loại hình kinh doanh gồm hàng loạt tập đoàn gia đình, các doanh nghiệp nhà nước cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tới những doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây cũng chính là lực lượng chiếm tới 89% hoạt động kinh doanh trong khu vực. Theo ông Pasha, ASEAN cần có những cơ quan dân sự độc lập để ngăn nạn tham nhũng và hòa nhập khu vực với toàn cầu. Bên cạnh đó, công cuộc kỹ thuật số cũng sẽ giúp thúc đẩy sự minh bạch và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Thứ ba là sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh mới. Ông Pasha cho rằng, nhu cầu thị trường phục vụ hơn 600 triệu khách hàng ở ASEAN ngày càng mở rộng. Để đáp ứng được nhu cầu cũng như tăng lợi nhuận kinh doanh, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và phân loại rõ nhu cầu của khách hàng cùng điều kiện trong từng khu vực để đưa ra giải pháp thích hợp nhất.
Thứ tư là sự thay đổi nhân khẩu học. Chính phủ các nước cần chuẩn bị cho lực lượng lao động trẻ kiến thức để đối diện với viễn cảnh hòa nhập kinh tế trong khu vực thông qua giáo dục và đào tạo.
“Những nỗ lực gần đây của các nước ASEAN vẫn chưa phát huy tác dụng. Nhiều người vẫn đổ xô về các thành phố lớn như Manila hay Jakarta để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc họ đã tạo ra thêm áp lực đối với cơ sở hạ tầng và thị trường lao động hiện thời. Những giải pháp bền vững yêu cầu sự cải tiến bao gồm cung cấp chỗ ở với giá thành thấp, chăm sóc y tế chất lượng và giáo dục cũng như thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa các tổ chức tư nhân và phi chính phủ”, ông Pasha nói.
Thứ năm là việc tiến tới tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững trong bối cảnh vẫn tồn tại khoảng cách thu nhập lớn giữa các nước ASEAN. Điển hình, trong năm 2017, GDP tính theo đầu người của Singapore là 57.714 USD còn Myanmar chỉ là 1.298 USD.
Thứ sáu là nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực. Với hơn 125.000 người dùng mới được dự báo sử dụng mạng trực tuyến hàng ngày vào năm 2020 mà đa phần thông qua điện thoại di động, ông Pasha nhấn mạnh yếu tố này có thể làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Tuy nhiên, khoảng cách công nghệ giữa các quốc gia ASEAN còn khá lớn, do đó cần xây dựng cơ sở hạ tầng internet chung trong khu vực.
Cuối cùng là tăng cường hội nhập kinh tế. Hội nhập kinh tế vốn là chính sách được Cộng đồng Kinh tế ASEAN thi hành từ năm 2015 trong đó hướng tới thúc đẩy một thị trường riêng, gia tăng năng lực sản xuất công nghiệp, tăng tính cạnh tranh, ủng hộ tăng trưởng toàn diện và tăng cường hội nhập khu vực với nền kinh tế toàn cầu. Đây chính là lý do khiến các nước ASEAN, Australia, Canada cùng một số quốc gia khác ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là văn bản được sửa đổi từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ đơn phương rút lui trong năm nay.
11 thành viên tham gia ký kết CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD.