Bão số 7 gây mưa lớn diện rộng, gần 6.000 ha lúa ở Thái Bình bị ảnh hưởng
Hoàn lưu bão số 7 kết hợp không khí lạnh tác động đã gây mưa lớn ở tỉnh Thái Bình trong 2 ngày 10-11/10. Nhiều địa phương trong tỉnh vừa khẩn trương khắc phục hậu quả, vừa sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 8 đang hình thành trên biển Đông.
Dự báo vị trí và đường đi của bão số 7. (Ảnh: TTDBKTTVQG) |
Chiều 9/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 8 tỉnh, thành phố về công tác ứng phó với bão số 7 (LIONROCK) và nhận định tình hình thời tiết trong 10 ngày.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào đất liền. Mặc dù bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên biển, nhưng mưa lớn sẽ còn xuất hiện ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, dự báo đến khoảng ngày 11-12/10, trên Biển Đông lại xuất hiện bão số 8. Đến ngày 16-17/10, Biển Đông có khả năng lại xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới/bão số 9. Đồng thời, một bộ phận không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền bắc. Hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn cho nhiều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tổ hợp thiên tai trong 10 ngày, đó là: bão số 7, bão số 8, dự báo còn có bão số 9 và không khí lạnh tràn về. Do đó, những ngày sắp tới, thời tiết sẽ rất bất lợi cho khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh trước liên hoàn tổ hợp thời tiết cực đoan trong những ngày tới, các địa phương cần khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai trong 10 ngày.
Việc xây dựng các phương án ứng phó bão phải kết hợp chặt chẽ với phương án phòng chống dịch bệnh, đồng thời các địa phương cần lưu ý thêm tình hình người dân di chuyển từ các tỉnh miền Nam ra Bắc.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bão lũ kèm dịch bệnh sẽ khiến việc di chuyển của người dân có mức độ rủi ro, nguy hiểm cao hơn. Do đó, chính quyền các địa phương cần can thiệp kịp thời, thông tin về diễn biến thời tiết cho người dân trở về, đặc biệt từ 4 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Việc này giúp người dân phán đoán, ra quyết định để không tạo ra rủi ro đột biến cho bản thân.
Đồng thời, trong lúc thiết lập các điểm, khu cách ly tập trung cho những người mới về theo quy định của Bộ Y tế, các địa phương cần lưu ý thêm khả năng chống chịu trước mưa bão của các khu vực này.
"Chúng ta không chủ quan để bão lớn thiệt hại nhỏ mà bão nhỏ thì thiệt hại lớn. Trong bão có thể không nguy hiểm, nhưng hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý và đề nghị các địa phương cần căn cứ diễn biến thực tế để ra quyết định cấm biển, cấm ra đường, cấm vào rừng, cấm ra đồng...
Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng cho rằng, về lâu dài, để ứng phó với thiên tai, các địa phương, ban, ngành chức năng cần lưu ý đến việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định vị phương tiện trên biển để dễ dàng kết nối, xử lý thông tin khi có tình huống xảy ra.
Sáng 10/10, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều cùng ngày, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định và suy yếu thành vùng áp thấp.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hoàn lưu bão số 7 đã gây mưa lớn trên diện rộng cho tỉnh Thái Bình liên tiếp trong 2 ngày 10-11/10, lượng mưa đo được phổ biến từ 100-150mm. Tuy không xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, nhưng mưa lớn cũng đã gây nhiều thiệt hại với ngành nông nghiệp địa phương.
Cụ thể, tổng diện tích lúa mùa bị nghiêng, đổ nhẹ trong toàn tỉnh là 5.900ha (huyện Thái Thụy 950ha, Kiến Xương 2.000ha, Tiền Hải 1.800ha, Vũ Thư 150ha, Quỳnh Phụ 600ha, Đông Hưng 400ha).
Hơn 5.900 ha lúa mùa của tỉnh Thái Bình trong thời kỳ thu hoạch bị nghiêng, đổ do ảnh hưởng do bão số 7. (Ảnh: TTXVN) |
Tổng diện tích rau màu bị ảnh hưởng nhẹ do mưa là 3.460 ha (huyện Quỳnh Phụ 600 ha, Vũ Thư 1.150 ha, TP Thái Bình 20 ha, Thái Thụy 770 ha, Kiến Xương 720ha, Đông Hưng 200ha).
Mưa lớn còn gây sạt lở nhẹ mái đê phía đồng đê cửa sông Tả Hồng Hà tại K4+200 (thôn Phương Giang, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải) với chiều dài khoảng 30 mét.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố do bão số 7 gây ra, đồng thời luôn túc trực, sẵn sàng ứng phó, chuẩn bị mọi nguồn lực để hạn chế thấp nhất thiệt hại do những diễn biến khó lường tiếp theo của thời tiết.
PV