Bảo quản các tư liệu lịch sử ngành TT&TT: Cần ứng dụng số hóa
Các tỉnh Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) vốn là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, nơi lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh quý báu qua các thời kỳ lịch sử của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Tuy nhiên, việc lưu giữ, trưng bày, bảo quản của địa phương lại đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, ngành bưu chính, viễn thông - BCVT (nay là ngành TT&TT) tại các địa phương đều có nhà truyền thống ngành Bưu điện, nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật của ngành Bưu điện từ năm 1945 cho đến nay. Nhiều tư liệu, hiện vật rất quý giá, là những chứng tích phản ánh lịch sử hào hùng của ngành xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, việc trưng bày, bảo quản, giữ gìn cũng như công tác tiếp tục sưu tầm, cập nhật các hiện vật, đảm bảo tính thông suốt đang khiến các địa phương lúng túng, mỗi nơi làm một kiểu dẫn đến tình trạng không nhất quán. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiều hiện vật bị mất mát, mai một, gây khó khăn cho việc biên soạn lịch sử ngành TT&TT mà Bộ TT&TT đang xúc tiến.
Ông Phan Trường Giang, cán bộ Viễn thông Quảng Bình cho biết: “Quảng Bình là vùng đất có rất nhiều anh hùng của ngành Bưu điện, hiện vật, hình ảnh, tư liệu về vùng đất này có rất nhiều, nhưng hiện nay, chúng tôi chưa có văn bản nào chỉ đạo việc viết lịch sử ngành cũng như kế hoạch sưu tầm hiện vật lịch sử nào cho phù hợp. Tại các Bưu điện tỉnh, Viễn thông tỉnh đều có phân công các chuyên viên phụ trách công tác truyền thống, lịch sử, nhưng đa số là kiêm nhiệm, do đó đội ngũ này chưa dành nhiều thời gian, công sức cho việc sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ cho việc lưu giữ và bảo quản. Riêng Viễn thông Quảng Bình hiện cũng chỉ quản lý những gì mình có được thời gian trước khi chia tách Bưu chính Viễn thông. Sau chia tách, Viễn thông Quảng Bình chưa có điều kiện bổ sung thêm hiện vật, tư liệu nào vào nhà truyền thống.
![]() |
Những hiện vật của ngành Bưu điện được trưng bày tại một triển lãm mới đây ở Quảng Bình. |
Cùng sự trăn trở, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Tổng hợp Bưu điện tỉnh Quảng Trị cho biết: Tương tự Quảng Bình, Quảng Trị cũng là vùng đất có nhiều dấu ấn, đóng góp nhiều nhân vật cho lịch sử ngành BCVT. Cụ thể, Quảng Trị đang lưu giữ tư liệu về 135 đồng chí lãnh đạo từ cấp Trưởng, Phó Ty Bưu điện trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Đây là một trong những tư liệu quý, nếu không lưu giữ, bảo quản cẩn thận sẽ khó khăn cho việc biên soạn lịch sử ngành. Thêm vào đó, vùng đất Bình Trị Thiên còn một số cán bộ lão thành cách mạng, là nhân chứng sống của lịch sử ngành Bưu điện, từng làm việc giao thoa giữa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ ngành Bưu điện đổi mới. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt, am hiểu sự chuyển giao lịch sử ngành giữa 2 giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành BCVT. Số cán bộ này nay đã lớn tuổi, một số sức khỏe yếu kém, vì vậy, Bộ TT&TT cần chỉ đạo cho các địa phương sớm tập hợp, thu thập tư liệu từ các nhân chứng lịch sử này, để có thể khai thác thông tin, thu thập thêm tư liệu phục vụ cho việc biên soạn lịch sử sau này.
Chung với nỗi lo như 2 địa phương trên, ông Nguyễn Nhật Quang, Phó Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế cho rằng: Nhà truyền thống của Bưu điện Thừa Thiên - Huế có nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý về ngành. Nhưng do không bảo quản tốt nên nhiều hiện vật đang bị hư hại; nhiều tấm ảnh bị ố vàng, các máy móc ngành Bưu điện từng sử dụng từ thời chiến tranh đã bị hoen rỉ. Đặc biệt, qua so sánh, đối chiếu, các đơn vị nhận thấy rằng hiện vật trưng bày đã bị thất thoát quá nhiều, cần được bổ sung và có nguồn lực bảo quản tốt hơn.
Phân tích lí do có hiện tượng này, ông Đỗ Cao Nguyên, Chuyên viên phụ trách công tác lịch sử truyền thống VNPT Quảng Trị cho rằng, hiện nay các đơn vị chỉ lưu giữ một số hiện vật trong giai đoạn trước năm 2013. Sau chia tách, các đơn vị lo chú trọng việc ổn định bộ máy sản xuất kinh doanh, công tác truyền thống chưa được quản lý chuyên nghiệp, bài bản; chưa cập nhật bổ sung tư liệu, hình ảnh, hiện vật của thời kỳ sau này, do đó chưa có tính kế thừa giá trị lịch sử. Ví dụ, Công ty In và phát hành Quảng Trị - đơn vị có bề dày lịch sử, nhưng đến nay ngành in và đơn vị lại không còn gì để lưu truyền. Bởi sau thời kỳ cổ phần hóa, các doanh nghiệp trong đó có đơn vị này đã không chú trọng đến công tác truyền thống, lịch sử. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc bảo tồn, trong khi kinh phí cho việc bảo quản các hiện vật của ngành không có nên hầu như lịch sử ngành in trong thời kì kháng chiến tại địa phương đã mai một theo thời gian.
Trước thực trạng trên, ông Phạm Quốc Chính, Phó Trưởng Ban Lịch sử -Truyền thống Bộ TT&TT cho rằng, để bảo quản tư liệu, hình ảnh, hiện vật khỏi sự tàn phá của thời gian, các đơn vị cơ sở cần nghiên cứu số hóa các tài liệu, sắp xếp một cách khoa học. Đặc biệt, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sưu tầm, bảo quản, lưu trữ các hiện vật, tư liệu và cần công tác quản lý bài bản, khoa học hơn. Về phía Bộ TT&TT, Ban Lịch sử -Truyền thống sẽ tập hợp các ý kiến của địa phương để đề xuất lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất toàn ngành về việc sưu tầm, lưu giữ, bảo quản các tư liệu, hiện vật… nhằm tạo điều kiện cho việc sớm xuất bản cuốn Lịch sử ngành TT&TT, với đầy đủ giá trị khoa học lịch sử, tính thời đại và ý nghĩa giáo dục trong dòng chảy lịch sử chung của dân tộc.