Bạo lực giới càng nhiều, bất bình đẳng giới càng cao!
Ảnh minh họa |
Theo Tuyên bố về Loại trừ bạo lực chống lại phụ nữ của Liên hiệp quốc năm 1993 (CEDAW), khái niệm bạo lực trên cơ sở giới (bạo lực giới) được hiểu là: Bất kỳ một hành động bạo lực nào dựa trên cơ sở giới dẫn đến, hoặc có khả năng dẫn đến những tổn thất về thân thể, tình dục, tâm lý hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa, sự cưỡng bức hay tước đoạt một cách tùy tiện sự tự do, dù nó xảy ra ở nơi công cộng hay trong đời sống riêng tư.
Theo Khuyến nghị tổng thể số 19 (CEDAW) định nghĩa: bạo lực giới là bạo lực nhắm trực tiếp đến phụ nữ làm cho người phụ nữ bị đối xử không công bằng.
Bạo lực giới là hậu quả của việc coi phụ nữ và trẻ em gái có địa vị thấp hơn trong xã hội (bất bình đẳng giới), vì thế, họ dễ bị cô lập bởi các định kiến giới và chịu sự phân biệt đối xử về giới làm cho nữ giới dễ bị bạo lực và buộc phải chấp nhận bạo lực hơn. Bạo lực ở bất cứ dạng nào cũng không thể chấp nhận được.
Bạo lực giới xảy ra dưới nhiều dạng (hình thức), biểu hiện như: Bạo lực trong gia đình, tảo hôn, ép hôn, mua bán người, lạm dụng tình dục trẻ em, mại dâm cưỡng bức, quấy rối tình dục, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, cắt bỏ bộ phận sinh dục...
Bạo lực tinh thần: là cách thức bạo lực phổ biến nhất và đa dạng nhất nhằm kiểm soát và thống trị phụ nữ, trẻ em về mặt tinh thần. Bạo lực tinh thần cũng là hậu quả của 3 loại bạo lực còn lại, gồm các biểu hiện chửi rủa, lăng mạ, làm phụ nữ nghĩ rằng mình vô dụng, ngu dốt, hoặc xao nhãng, bỏ rơi, cô lập. Những hành động này có thể gây ra tổn thương tinh thần cho người phụ nữ và khiến cho người cho nạn nhân cảm thấy mình là người vô ích và ngu dốt.
Bạo lực thể chất: là hành vi phổ biến, thường xuất hiện sau một giai đoạn đã kiểm soát và đã áp đặt quyền lực, thống trị người bị bạo lực về tinh thần, gồm các biểu hiện tát, đấm, đá, dùng hung khí, dao, súng để gây thương tổn hoặc giết chết người bị bạo lực.
Bạo lực tình dục: là hành vi rất dễ xảy ra sau khi đã xảy ra bạo lực tinh thần và bạo lực thể chất hoặc xuất hiện độc lập bởi sự gia tăng cấp độ bạo lực và biểu hiện bệnh hoạn của người gây bạo lực với ý định kiểm soát và sỉ nhục cao nhất đối với phụ nữ. Bạo lực tình dục hạ thấp giá trị nhân phẩm của phụ nữ thân chủ, làm họ cảm thấy như bị hiếp dâm (đau đớn về thể xác, nhục nhã về tinh thần). Gồm các biểu hiện cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn, tấn công/ quấy rối tình dục, bắt mang thai, nạo phá thai, ép xem các ấn phẩm đồi trụy, chứng kiến các hành vi tình dục của người khác...
Bạo lực kinh tế: là hành vi nhằm xóa bỏ sự độc lập kinh tế của phụ nữ, bao gồm các hành vi đập phá tài sản phá hủy, ngăn cản công ăn việc làm; không cho đi làm bắt đóng góp kinh tế quá khả năng; kiểm soát tiền bạc của phụ nữ hoặc chi tiêu của phụ nữ...
Còn tại Việt Nam, theo BS Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm bạo lực giới, bạo lực gia đình là bất cứ dạng bạo lực, lạm dụng hoặc ép buộc từ người bạn tình cũ hoặc hiện tại sử dụng nhằm thiết lập và duy trì quyền lực và kiểm soát người khác. Nó diễn ra trong bối cảnh không cân bằng quyền lực và đặc quyền, và có khả năng gây ra tổn hại đến thân thể và cảm xúc của người khác.
Những hành vi là các thủ đoạn của bạo lực gia đình bao gồm tấn công hay đe dọa tấn công thể chất, tình dục, lăng mạ, bạo lực xã hội, bạo lực tinh thần và bạo lực tài chính.
BS Quyết cho biết có tới 61 % phụ nữ được phỏng vấn nói rằng vụ việc của họ đã được "hòa giải” nhưng “việc hòa giải hiếm khi đạt được kết quả như mong đợi vì bạo lực vẫn tiếp diễn ở 77% các vụ việc đã được hòa giải” việc này làm cho phụ nữ bị bạo lực mất niềm tin vào thể chế xã hội và tiếp tục im lặng.
Tại nước ta, BS Quyết cho biết hành vi bạo lực là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được cơ quan công an, chính quyền thực hiện việc can thiệp theo luật phòng chống bạo lực gia đình và các quy định liên quan.