Báo chí Thái Lan đánh giá cao việc APEC theo đuổi hệ thống thương mại đa phương
Các nhà lãnh đạo APEC chụp ảnh lưu niệm tại Đà Nẵng. |
Nhật báo The Nation của Thái Lan hôm 11/11 đã đăng bài viết “Các nhà lãnh đạo APEC cam kết theo đuổi thương mại đa phương”, đánh giá về thành công của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Bài viết nhấn mạnh kết quả đạt được tại hội nghị là sự thỏa hiệp giữa ý muốn theo đuổi hệ thống thương mại đa phương trong kỷ nguyên số và chống chủ nghĩa bảo hộ, trong khi vẫn thừa nhận tầm quan trọng của các thỏa thuận thương mại song phương mà Mỹ đang thúc đẩy một cách mạnh mẽ.
Tại Bangkok ngày 13/11, các thành viên APEC đã đề cao hệ thống thương mại đa phương và tự do hóa thương mại trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi lớn và Mỹ - một trong những nền kinh tế từng đi đầu trong chủ nghĩa tự do thương mại và đa phương - giờ đây đã thay đổi chính sách và tập trung vào các quan hệ song phương.
Bài viết nhấn mạnh tuyên bố chung của APEC nêu rõ các nhà lãnh đạo "tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm các hành động thương mại phi công bằng" trong khi "công nhận vai trò hợp pháp của các công cụ phòng vệ thương mại".
Tuyên bố này là sự thỏa hiệp giữa đòi hỏi của Mỹ về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương và của đa số các thành viên khác của APEC, vốn ủng hộ một khuôn khổ thương mại đa phương làm cốt lõi cho quan hệ hợp tác giữa các nền kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, các thành viên còn lại tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã tổ chức một cuộc đàm phán bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và đã nhất trí thúc đẩy thỏa thuận này mà không cần có Mỹ, bằng cách "treo" 20 điều khoản của thỏa thuận ban đầu.
Trước đó, trong cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước tham gia ký kết TPP do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các bộ trưởng đã nhất trí một số vấn đề quan trong, trong đó có việc đồng ý với tên gọi mới của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Các bộ trưởng cũng ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thống nhất những yếu tố cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của TPP, nhưng cho phép các các nước thành viên tạm hoãn một số các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới với chất lượng cao của hiệp định.
*Ngày 31/10, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã đăng tải bài viết bình luận về vai trò của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 10-11/11.
Theo báo trên, sau hơn 3 thập kỷ cải cách kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này diễn ra tại Việt Nam có tầm quan trọng lớn về mặt kinh tế và chiến lược khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Theo bài viết, tại hội nghị lần này, Việt Nam sẽ có 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, trong bối cảnh xu thế bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân túy gia tăng, Việt Nam phải nắm bắt cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC để thúc đẩy tiến trình hợp tác trở nên có hiệu quả và hiệu lực.
Thứ hai, các nỗ lực nhằm giảm bớt rào cản thương mại và tăng cường tự do hóa đầu tư phải được tiếp tục, trong bối cảnh APEC đang tiến vào thập kỷ thứ 4 của sự phát triển.
Thứ ba, để duy trì tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương nhằm mở rộng hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, Đà Nẵng được xem là thành phố cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam, và sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này cũng đem lại một cơ hội có một không hai. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Đà Nẵng, Việt Nam có thể cho thấy sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Ngoài ra, theo tờ Bangkok Post, Việt Nam cũng sẽ tận dụng Hội nghị Cấp cao APEC lần này để hối thúc Washington đưa ra một lập trường rõ ràng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống, Mỹ đã phát đi các tín hiệu chưa rõ ràng về cách thức mà nền kinh tế số 1 thế giới cam kết với các nền kinh tế khác.
Đối với khu vực này, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đòn giáng mạnh nhất vào chính sách tự do thương mại của Mỹ, gây ra các đồn đoán về một tương lai có xu hướng bảo hộ.
Với tư cách nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam được cho là sẽ thúc đẩy đàm phán giữa 11 nước còn lại trong TPP, tìm kiếm các cam kết hơn nữa rằng thỏa thuận thương mại phải được tiếp tục, ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ.
Bài viết kết luận thành công của Hội nghị Cấp cao APEC sẽ tăng cường hơn nữa vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn ra sau đó.
Việt Nam đang chuẩn bị cho chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, nhằm đảm bảo rằng khối này sẽ phối hợp trong các cách thức hữu hình nhằm tăng cường vai trò chủ chốt của ASEAN và các quan hệ với bên ngoài, cũng như các hoạt động xây dựng cộng đồng bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên cũ và mới của ASEAN./.