Bạn học cũ cho nữ sinh vay tiền lãi suất ''siêu cắt cổ': Ép ghi nhiều giấy vay nợ, chỉ nhận hơn 9 triệu trả 250 triệu vẫn không buông tha
Không chỉ vay tiền với lãi suất “siêu cắt cổ”, nữ sinh viên còn bị chủ nợ là bạn học cũ ép đóng phí giải ngân “khủng”.
Vụ việc nữ sinh P.L.K.K.N. và gia đình làm đơn tố cáo lên Công an phường Quang Trung sau khi bị khủng bố đòi nợ kinh hoàng từ món nợ 12 triệu nhưng bị ép trả gần 300 triệu đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày vừa qua.
Liên quan đến vụ việc, theo thông tin mới nhất, Công an phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang tiếp tục xác minh đơn tố cáo của nữ sinh K.N. đối với K.N.H.A (đều 20 tuổi; cùng thường trú tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Đến thời điểm hiện tại, K.K.N.vẫn chưa hết hoang mang, sợ hãi sau khi bị A. khủng bố đòi nợ bằng tinh thần, không chỉ cô mà gia đình cũng bị tấn công.
K.N. cho biết, thời điểm cô vay của A. 12 triệu nhưng thực nhận chỉ có 9,6 triệu, số tiền còn lại là "phí giải ngân" mà A. đưa ra. Theo đó A. giữ lại 2,4 triệu đồng phí giải ngân (tương ứng với 20% trên tổng số tiền vay ghi trên giấy).
Ngoài ra, sau 10 ngày không thể trả lãi theo quy định ban đầu, số lãi mà K.K.N. nợ ngày càng lớn vì nếu không trả đúng thì sau 19 giờ phải trả gấp đôi (480.000 đồng/ngày); trả lãi sau 24 giờ thì phải nhân 4 (tức 960.000 đồng/ngày).
Số tiền lãi ngày càng lớn nhưng K.K.N. không có tiền trả, A. lại tiếp tục ép K.K.N. vay để trả lãi bù. Cứ như vậy, A. ép K.N. vay thêm nhiều lần với 8 lần ký giấy, đặc biệt mỗi lần vay đều thu phí giải ngân từ 20-25% trên số tiền vay.
Cụ thể, 8 tờ giấy K.N. viết vay tiền của A. với tổng số tiền 147 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế K.N. chỉ nhận được khoảng 110 triệu đồng.
Bảng thống kê vay nợ và lãi suất của sinh viên K.N. trong tháng 7 và 8.
Chỉ trong vòng 2 tháng 7 và 8 dù K.N. đã hơn 35 lần trả cho A. bằng hình thức chuyển khoản với tổng số tiền 168 triệu, chưa kể tiền mặt, số tiền này cao gấp gần 18 lần so với khoản thực vay ban đầu (9,6 triệu đồng) nhưng A. vẫn cho rằng K.N. còn thiếu nợ và ép trả thêm 120 triệu đồng.
"Ngoại trừ số tiền 9,6 triệu đồng lần đầu tiên nhận của bạn ấy để trả tiền nhà, những lần sau viết giấy vay tiền em đều trả lãi cho bạn K.N. chứ không đụng đến đồng nào", K.N. nói trong nước mắt.
Sau khi nhận được đơn trình báo của N. và gia đình, Công an P.Quang Trung cũng đã làm việc và yêu cầu cung cấp thêm chứng cứ, hình ảnh... để có tư liệu phục vụ công tác điều tra.
Được biết, giữa N. và N.H.A là bạn học cũ thời cấp 2 ở TP Quy Nhơn. Cách đây 2 năm, cả hai cùng từ TP Quy Nhơn vào TP HCM để học ĐH.
K.N.H.A trong một lần đến nhà mẹ P.L.K.N ở TP Quy Nhơn để đòi tiền cho vay với lãi suất "siêu cắt cổ".
Đến đầu năm 2021, N. vừa đi học vừa làm thêm ở nhà hàng bán gà rán tại TP.HCM, nhưng dịch Covid-19 phức tạp nên thất nghiệp, chuyển chỗ trọ, gia đình ở quê chưa chuyển tiền kịp và cần chi tiêu sinh hoạt hàng ngày nên túng thiếu, phải vay mượn bạn bè.
Biết N. đang gặp khó khăn, A. đã giới thiệu và cho N. vay tiền.
Ngoài ra, mặc dù đang là sinh viên nhưng A. có quan hệ mật thiết với băng nhóm giang hồ, chuyên cho vay nặng lãi ở TP HCM và tỉnh Bình Định. Không chỉ A., mẹ và chị ruột của K.N. ở TP Quy Nhơn cũng "hành nghề" cho vay nặng lãi.
Hiện vụ việc đang được cơ quan Công an phường Quang Trung tiếp tục điều tra làm rõ. Thời gian qua, những vụ việc sinh viên vì nhiều lý do đã vay tiền thông qua nhiều hình thức như online, nặng lãi và để lại nhiều hậu quả về mặt tinh thần. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo học sinh sinh viên nếu có khó khăn cần liên hệ với nhà trường hoặc gia đình để được giúp đỡ giải quyết, tránh những sự việc như trường hợp của K.N.
Theo Pháp luật và bạn đọc