"Băm nát" quy hoạch, nhồi nhét chung cư: Luật có cấm điều chỉnh quy hoạch? Đã ai đi tù vì băm nát quy hoạch chưa?
Dư luận sốt nóng vụ “băm nát” quy hoạch tại trục đường Lê Văn Lương, trước đó là Linh Đàm, GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần phải xử lý nghiêm, làm điểm đối với từng tổ chức, cá nhân kể cả những người đã về hưu.
Việc băm nát quy hoạch, “nhồi” cư dân tại trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu được công bố tại kết luận thanh tra mới đây gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm hiện nay đó là việc có điều luật nào cấm 'điều chỉnh quy hoạch' không? Nếu xử lý những cá nhân, tổ chức phê duyệt điều chỉnh, thực hiện quy hoạch này có được xử lý một cách triệt để, có đủ căn cứ để xử lý trước pháp luật không?.
Trao đổi với phóng viên Infonet Báo VietNamNet, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường thừa nhận trong luật “đúng là có mục được điều chỉnh quy hoạch” nhưng “phải có điều kiện”.
“Tuy nhiên phải xem xét nội dung điều chỉnh có đúng hay không. Đại đa số các tồn tại hiện nay là điều chỉnh nhưng lại ở trạng thái ngược với bản quy hoạch đầu tiên.
Ví dụ bản quy hoạch đầu tiên có các tiêu chuẩn như cây xanh chiếm bao nhiêu phần trăm – nhưng điều chỉnh xong thì cắt hết cây xanh đi. Điều chỉnh như thế là sai.
Hay quy hoạch đầu tiên có quy định bao nhiêu dân xây dựng một trường học. Căn cứ vào mật độ dân cư dự kiến, trường sẽ xây bao nhiêu lớp, mỗi học sinh có bao m2 đất… Tất cả những cái đó phải đạt chuẩn về quy hoạch.
Khi anh điều chỉnh mà xoá hết chuẩn của nó đi thì là anh điều chỉnh sai”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Chung cư dày đặc trên trục đường Lê Văn Lương - Trung Hòa Nhân Chính - Nguyễn Tuân. |
Ông cho rằng để xảy ra tình trạng băm nát quy hoạch hiện nay có hai nguyên nhân. Thứ nhất, quy định của luật hiện không mạch lạc - tính minh bạch về pháp luật không rõ. Tạo cơ hội để lách luật.
Thứ hai, lạm dụng thẩm quyền cho phép làm trái với quy chuẩn, cho phép phạm pháp với những cái không lách được. Ví dụ luật quy định không được rút cây xanh đi nhưng người ta vẫn làm.
“Trong khi đó, hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát của chúng ta vận hành không tốt, thành ra những sai phạm tiếp tục xảy ra.
Do đó, theo tôi việc điều chỉnh pháp luật là cần thiết, nhằm chặt chẽ hơn, không có khoảng hở.
Song song với đó, hệ thống thanh tra, kiểm tra phải thường kỳ. Kể cả việc cấp dưới bị sai thì cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm, không thể vô can. Bởi vì anh có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra mà không làm, chứng tỏ đó là trách nhiệm của anh.
Ví dụ ở Trung Quốc, một cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cấp trên mới có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Và chỉ được điều chỉnh khi có các chứng cứ rõ ràng theo pháp luật quy định. Tức là anh phải có lý do thuyết phục và theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải anh có thẩm quyền thì ký điều chỉnh đại”, GS Đặng Hùng Võ nêu.
GS Đặng Hùng Võ. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN& MT cũng cho rằng từ trước đến giờ chưa có ai bị kỷ luật về điều chỉnh sai như thế này.
“Tại vì sao? Vì đại đa số các trường hợp này đều làm cho tiền đầu tư vào các hạng mục cần thiết theo đúng quy chuẩn bị giảm đi, còn không gian ở tăng lên, bán được tiền. Thành ra tôi cũng chưa thấy ai bị kỷ luật, bị khởi kiện, bị xử lý hình sự thì càng chưa.
Theo tôi cần phải làm rõ việc chia chác khoản tiền tăng lên này thế nào?”, GS Đặng Hùng Võ kiến nghị.
Trở lại vụ việc “băm nát” quy hoạch đang gây bức xúc trong dư luận tại trục đường Lê Văn Lương, GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần phải xử lý nghiêm, làm điểm đối với từng tổ chức, cá nhân kể cả những người đã về hưu.
“Quy trình xử lý theo các bước. Trước tiên xem xét sai phạm, sau đó quy các sai phạm này tiêu tốn bao nhiêu tiền, gây bao nhiêu tác hại cho người dân sinh sống tại chỗ. Sau đó căn cứ vào số tiền, vào tác hại sẽ quy tội cho cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng này.
Từ đó, những người có chức năng phán quyết có thể đưa ra các hình thức xử lý: phê bình rút kinh nghiệm, cảnh cáo, kỷ luật ở mức độ cao hay xử lý theo hình sự…”, GS Đặng Hùng Võ cho hay.
Hà Nội: Đã có nơi vượt kỷ lục 'lò bát quái' đông dân nhất của Linh Đàm?
Những tưởng KĐT Linh Đàm quận Hoàng Mai là nơi đông nhất Hà Nội khó nơi nào vượt qua. Nhưng không, khu vực ‘ngộp thở’ là tuyến đường Lê Văn Lương-Trung Hòa Nhân Chính-Nguyễn Tuân với hơn 30 tòa cao ốc bủa vây dường như đã ‘soán ngôi’ Linh Đàm
Căn cứ Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:
“Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Trên cơ sở của Kết luận Thanh tra và quy định pháp luật nêu trên thì hành vi điều chỉnh quy hoạch liên tục, càng điều chỉnh càng sai phạm của một số cán bộ nguyên là cán bộ UBND thành phố Hà Nội có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch đã mang lại lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp dọc theo tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. Vậy cần có sự vào cuộc sớm của Cơ quan công an để điều tra làm rõ có hay không hành vi hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật sư Vũ Văn Quyết
(Công ty TNHH Luật Hiệp Thành, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
N. Huyền