Bài học từ sự phát triển chương trình bảo hiểm y tế cộng đồng
Sinh viên Y tế công cộng tham gia hoạt động tình nguyện tại Hà Giang. ảnh minh họa |
Mục tiêu của chương trình BHYTCĐ là phổ quát hóa bảo hiểm y tế ở bình diện cho toàn quốc, bằng cách huy động và sử dụng ngân quĩ từ địa phương và ngoài địa phương, kể cả ngoài hệ thống y tế, dựa vào nguyên tắc tự nguyện. Triết lí của chương trình này là “lá lành đùm lá rách” (tương trợ xã hội): người giàu hỗ trợ 18 người nghèo, người có việc làm hỗ trợ người không có việc làm, và người khỏe mạnh hỗ trợ người có bệnh.
Tùy theo quốc gia, chương trình BHYTCĐ dựa vào sự tự nguyện của dân trong các làng xã ở nông thôn, và nguyên tắc hoạt động cũng giống như Quĩ tín dụng hiện khá thành công ở nông thôn. Chương trình BHYTCĐ có thể được quản lí bởi chính quyền địa phương, công ti tư nhân (không lấy lời), hay Sở Y tế tỉnh hay Sở thương binh xã hội. Một hội đồng quản trị được bầu ra để quản lí quĩ BHYTCĐ, và công khai tất cả chi thu.
Theo chương trình BHYTCĐ, mỗi làng xã cần vận động khoảng 60% các hộ đóng góp vào quĩ y tế như là một hình thức đầu tư cho sức khỏe. Quĩ có thể hình thành từ hai nguồn: trích khoảng 1,5 đến 2% thu nhập, và Nhà nước đóng góp khoảng 0,2 đến 0,5% GDP. (Ở các nước Phi châu, ngay cả niên liễm 5% đến 10% ngân sách gia đình được xem là quá đắt và rất ít người tham gia).
Ở Thái Lan, sau 12 năm triển khai chương trình, hiện nay tỉ lệ dân số tham gia vào chương BHYTCĐ chỉ 35%, nhưng quĩ có thể cung cấp bảo hiểm cho 100% dân số.
Quĩ BHYTCĐ chi cho các dịch vụ như khám thai, tiêm vắc-xin cho trẻ em dưới 8 tuổi, dịch vụ cứu thương, và chi phí một số ngày nằm bệnh viện mỗi năm cho hội viên. Qua thực tế triển khai tại các nước đang phát triển ở Phi châu và Á châu, quĩ BHYTCĐ chẳng những tiết kiệm ngân sách gia đình mà còn cung cấp một “lá chắn” hữu hiệu cho các hộ nghèo khi có vấn đề bệnh tật.
Thật ra, chương trình BHYTCĐ cũng từng được giới thiệu ở Việt Nam, nhưng việc triển khai chương trình vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần phải nghiên cứu thêm về tính khả thi và lợi ích của chương trình đối với các hộ nghèo và nông dân.
Kinh nghiệm triển khai chương trình BHYTCĐ ở các nước đang phát triển cho thấy, một số yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định tham gia vào chương trình: tiền niên liễm và uy tín của chính quyền địa phương trong việc quản lí chương trình.
Ngày nay, ở nước ta càng ngày càng có ít người chết vì những bệnh truyền nhiễm, nhưng phần đông chết vì những bệnh liên quan đến ăn uống và thừa thải thực phẩm, và việc điều trị thường quá khả năng tài chính của bệnh nhân. Những bệnh thường hay gặp nhất ở nông thôn ngày nay là: cao huyết áp, tiểu đường, khớp xương, tim mạch và tai biến mạch máu não.
Chi phí cho điều trị, phần lớn là bệnh viện phí và thuốc, cho những bệnh này đã và đang làm cho nhiều gia đình điêu đứng. Trong thời hòa bình, giáo dục và y tế là hai vấn đề xã hội được quan tâm nhiều nhất.
Tại các nước Tây phương, mỗi lần tranh cử là mỗi lần hai vấn đề này được đem ra phân tích và bàn thảo nhiều nhất. Ở nước ta, trong thời gian qua, vấn đề giáo dục đã được “mổ xẻ” nhiều, nhưng vấn đề y tế tuy nhức nhối hơn và nghiêm trọng hơn thì lại chưa nhận được quan tâm đúng mức của quần chúng và chính quyền điạ phương.
Trong khi các bệnh viện tỉnh và huyện xuống cấp nghiêm trọng thì chính quyền lại tập trung vào việc xây dựng các trụ sở ủy ban và đảng ủy. Thay vì tập trung đầu tư vào các cơ quan hành chính, Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế, mặt khác, nông thôn Việt Nam cần có một quĩ bảo hiểm như BHYTCĐ để đảm bảo mọi người dân hưởng các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.