Bài hát có giá gấp 20 lần xe hơi, giúp nhạc sĩ mua nhà 300m2 ở Sài Gòn
"Thành phố buồn" kể chuyện tình... tưởng tượng
Đà Lạt chiếm vị trí quan trọng trong giới hoạt động nghệ thuật miền Nam trước 1975. Thành phố mù sương, khắc khoải núi đồi và cảm giác lữ thứ như một thứ mê hoặc... Cô đơn và nỗi buồn là đặc sản dường như của riêng thành phố này dành cho bất kỳ ai.
So với các nhạc sĩ cùng thời, Lam Phương có sáng tác về Đà Lạt hơi muộn. Trước đó, khán thính giả đã từng say đắm với chàng thanh niên 18 tuổi Từ Công Phụng ôm đàn guitar thùng và nghêu ngao Bây giờ tháng mấy. Đà Lạt đi vào nhạc họ Từ đẹp đến quên sự hiện diện của thời gian. Người ta cũng biết rằng, Phạm Duy đưa Đà Lạt vào Cỏ hồng đầy quyến rũ. Có thể kể thêm những tên tuổi lớn khác như Trịnh Công Sơn, Hoàng Nguyên, Lê Uyên Phương... mà gần như tất cả các sáng tác đó đều hoàn hảo, vẽ ra một thành phố lãng mạn, giàu hoài niệm.
Phố sương Đà Lạt - nguồn cảm hứng thơ ca, nhạc họa cho nghệ sĩ Việt nhiều thế hệ. Ảnh: Internet. |
Tất cả hình ảnh đó được dùng để kể câu chuyện đúng phong cách Lam Phương: lồng vào một chuyện tình tan vỡ (motif nhạc tình buồn của dòng bolero bình dân thịnh hành thời điểm này)! Thành phố buồn của Lam Phương ra đời năm 1970, khi nhạc sĩ theo đoàn văn nghệ đi trình diễn ở Đà Lạt.
Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, đường quanh co quyện gốc thông già, hay con đường ngày xưa lá đổ... mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe.
Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe Thành phố buồn có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm. Để rồi cũng chính đô thị khói sương ấy lại khắc khoải buồn trong bức tranh tiễn biệt.
Có nhiều dị bản của Thành phố buồn mà tựu trung ở ca từ “trốn” hay “chốn” cho một vế tiếp theo đầy ngậm ngùi “... phong ba, em làm dâu nhà người”. Các ca sĩ khi hát thường phải sử dụng ngữ âm miền Bắc nên phụ âm “tr” thành “ch”. Đây là một điểm sai lầm so với nguyên bản của tác giả.
Tờ nhạc Thành phố buồn in năm 1970 do Sống giữ bản quyền, được Lam Phương viết là “trốn phong ba”. Tức là, người con gái trong ca khúc né tránh cơn bão lòng, lánh xa giông bão tình yêu, để chọn một bến đỗ có bề an phận.
Một bài hát trị giá gần gấp 20 lần chiếc xe hơi, chẵn 20 năm lương đại tá
Cũng như Bây giờ tháng mấy của Từ Công Phụng, Thành phố buồn của Lam Phương được Đài Phát thanh Đà Lạt phát sóng lần đầu tiên.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Thành phố buồn lan tỏa khắp miền Nam. Và một lần nữa, theo khói sương u hoài của cuộc tình buồn trong tưởng tượng, chỉ với một ca khúc, tài khoản trong nhà băng của Lam Phương tăng đến mức khó tưởng tượng.
“Ông cho biết, bài hát trên không hẳn viết cho một nhân vật cụ thể nào như nhiều người đã suy diễn và thêu dệt. Nhưng ‘số lượng xuất bản rất cao’ và doanh thu bài hát này vô cùng lớn, đó là điều được báo chí đương thời tính toán được: khoảng 12 triệu đồng bản quyền (hồi suất chính thức năm 1970 là 1 USD = 275 đồng, vậy 12 triệu đồng tương đương 432.000 USD) - Con số này quá lớn với một ca khúc!
Để dễ hình dung, một chiếc xe hơi hiệu La Dalat của hãng Citroen sản xuất tại miền Nam Việt Nam vào năm 1971 có giá khoảng trên dưới 650.000 đồng".
Dễ so sánh hơn nữa, lương một vị đại tá cùng thời điểm chỉ khoảng 50.000 đồng. Như vậy, chỉ viết một bài hát, Lam Phương có thu nhập bằng 240 tháng (chẵn 20 năm) cống hiến cho quân ngũ của một vị đại tá.
Đối chiếu các dữ liệu từ gia đình nhạc sĩ hiện còn lưu trữ, thì phù hợp với thời điểm 1971 vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương mua căn biệt thự gần 300 mét vuông ở số 42 đường Nguyễn Lâm, quận 10, Sài Gòn. Ngôi nhà này vẫn còn là tài sản của người thân gia đình nhạc sĩ Lam Phương.
Nhạc sĩ Lam Phương mua nhà, mua xe chỉ với một bài hát. |
Thành phố buồn không chỉ xuất hiện trên truyền hình, sóng phát thanh hay trên tờ nhạc mà đã trở thành bài hát quen thuộc của Ban Kịch Sống. Ký ức của người Sài Gòn xưa đi coi kịch của Ban Kịch Sống vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đặc biệt với Thành phố buồn. Như một bài báo của tác giả Thanh Thủy, có lẽ là một khán giả mê kịch vào thời điểm đó, đã thuật lại:
“Thời ấy, cứ mỗi tối thứ năm hàng tuần, đài truyền hình có tiết mục thoại kịch và những vở kịch của ban kịch Sống của Túy Hồng bao giờ cũng thu hút nhiều người xem. Thời ấy truyền hình còn hiếm, người ta kéo nhau tới nhà những người có tivi để xem kịch
Sống, trong nhà, cửa ra vào, ô cửa sổ... đều chật cứng người xem. Tôi còn nhớ, khi bài hát Thành phố buồn của Lam Phương được hát dìu dặt trong suốt một vở kịch của Túy Hồng phát trên truyền hình, sáng hôm sau bài hát ấy bán đắt như tôm tươi, chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn mua bài Thành phố buồn về để trên kệ sách”.
Ca sĩ thể hiện bài hát này xuất sắc nhất chính là Chế Linh. Cùng với nhạc sĩ Từ Công Phụng, ca sĩ Chế Linh là giọng ca người Chăm được thính giả miền Nam những năm đầu thập niên 1970 ái mộ. Ông là một trong “tứ đại danh ca Sài Gòn” cùng với Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), Duy Khánh và Hùng Cường.
Thành phố buồn đã đại chúng đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả, nhưng chỉ ôm cây guitar thùng và đi một đoạn giai điệu theo lối slow rock, âm giai Mi thứ (Em) thì nhiều người sẽ nhận ra. Hiện nay bản nhạc đã qua nửa thế kỷ này vẫn liên tục được các ca sĩ trong và ngoài nước biểu diễn trên mọi phương tiện truyền thông.
Còn sống, còn viết. Và viết để được sống lâu hơn là hai vế của mệnh đề mà người nghệ sĩ theo đuổi trong sáng tác. Nếu ứng điều này vào Lam Phương và chỉ dùng Thành phố buồn để dẫn chứng cho lập luận trên, thì Lam Phương sẽ sống mãi cùng những người yêu Đà Lạt, yêu âm nhạc!
Lam Phương không giỏi viết lời ca. Lam Phương dùng cảm xúc chân thực, mộc mạc mà làm nên bản nhạc đẹp, lay động:
"...Thành phố buồn lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi quên cả tình yêu!".