Bác sĩ lên tiếng về việc nhỏ tinh dầu tỏi, dầu mè trị Covid-19 nhanh lấy lại khứu giác
Nhiều người bị Covid-19 mất khứu giác, khó thở họ sử dụng tinh dầu tỏi để thay đổi nồng độ pH trong mũi họng, diệt virus nhanh hơn.
Chị Đoàn Hải Yến, TP.HCM không thể nào quên được những ngày cả gia đình chị gồm hai vợ chồng và hai con trải qua F0. Chị Yến và chồng đã tiêm hai mũi vắc xin từ tháng 8. Các dấu hiệu bị nhiễm cũng rất lạ, chị đang nấu nướng nhưng thấy người mệt, đặc biệt cảm giác khó thở, khó chịu. Chị bảo chồng ra nhà thuốc mua hai que test. Chị thử test lên 2 vạch, không tin vào kết quả chị tiếp tục test thêm và vẫn dương tính.
Cuối cùng, chị mua cả 10 que test về test cho cả nhà thì cả hai vợ chồng chị và con đều dương tính. Chị lo lắng vì hai bé 1 bé học lớp 9 nhưng chưa tiêm vắc xin vì bé được gửi về quê mới lên, bé nhỏ học lớp 5.
Chị Yến thấy mệt mỏi, sốt, miệng khô, khó thở do ngạt mũi. Mỗi ngày, chị Yến học trên mạng cách trị mũi đó là xông mũi bằng nước ép tỏi pha loãng. Trước khi xông có thể nhỏ 1 giọt tinh dầu tỏi vào mũi để mũi cay dễ thở hơn.
Bài thuốc dầu mè và tỏi được chị áp dụng cho cả nhà. Riêng chồng chị mất vị giác, khứu giác nên nhỏ tinh dầu tỏi để lấy lại khứu giác. Chị Yến cho biết thuốc chị dùng chính là Telynol, vitamin C sủi và chịu khó uống chanh gừng mật ong hàng ngày. Xông nước lá toàn thân và xông mũi bằng tỏi, dầu mè.
Không riêng chị Yến sử dụng biện pháp này, trên mạng xã hội có nhiều người chia sẻ về xông mũi bằng tỏi, nhỏ dầu mè, tỏi vào mũi để trị Covid-19 đặc biệt giúp lấy lại nhanh khứu giác.
BS Trương Hữu Khanh –Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, cho rằng việc xông mũi bằng tỏi nhỏ vào nước nóng rồi hít lên mũi có thể giúp dễ thở, giải quyết được tinh thần nhưng tuyệt đối không nhỏ trực tiếp nước ép tỏi, dầu mè vào mũi vì gây bỏng niêm mạc mũi, không có tác dụng diệt virus như người dân vẫn tưởng.
Ảnh minh hoạ. |
Bác sĩ Khanh cho biết những người bệnh không có triệu chứng thì không phải điều trị gì qua 5,7 ngày âm tính là hết. Còn người có triệu chứng theo dõi nồng độ oxy máu, sốt thì hạ sốt, mệt mỏi thì bổ sung dinh dưỡng, tăng cường vận động nhẹ. Mất khứu giác, vị giác thường là giai đoạn cuối của nhiễm bệnh nên không đáng lo. Nếu mất vị giác, khứu giác thì 1 đến 3 tuần sau có lại, người nào chậm thì mất 1 tháng nhưng không cần uống thuốc, xông mũi để lấy lại khứu giác.
Theo BS. Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3, những thông tin trên là thiếu cơ sở khoa học, chưa được kiểm chứng. Việc nhỏ những dung dịch này có thể gia tăng nguy cơ hít sặc, đặc biệt ở trẻ em, cũng như làm khô rát, cảm giác nóng rộp ở niêm mạc vùng hầu họng, ảnh hưởng đến ăn uống.
Người bệnh nên tìm tới các bác sĩ để được hỗ trợ tư vấn có thể sử dụng nước xịt mũi họng tốt hơn, phù hợp với cơ thể mình đặc biệt là người bệnh có bệnh lý viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng không nên sử dụng phương pháp trên.
Theo bác sĩ Ngân, người bệnh Covid-19 hiện tại được theo dõi điều trị tại nhà, đa số không có triệu chứng, một số ít có thể có các triệu chứng khác như ho, sốt, viêm mũi họng thì có thể giữ gìn vệ sinh cá nhân, súc họng bằng nước muối sinh lý, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc xịt muối biến.
Cố gắng duy trì nếp sinh hoạt phù hợp, tập thể dục và ngủ đủ giấc. F0 có thể luyện tập các bài tập thở, luyện tập việc quan sát hơi thở và thả lỏng bản thân. Nên dành 3 – 5 phút ngồi thẳng lưng hoặc nằm thẳng, hít thở sâu và cảm nhận hơi thở đi vào cơ thể, sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng.
Thời gian tập chia nhiều lần trong ngày, có thể tăng dần số phút khi đã quen. Việc luyện tập và quan sát hơi thở giúp làm khỏe các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành khi ta hít thở sâu, đây là bài tập cần thiết để chúng ta rèn luyện cơ thể trong giai đoạn này.
Khánh Chi
Tại sao sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 lại nổi hạch, có nguy hiểm không?
Nhiều người sau tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 có hiện tượng nổi hạch nách hoặc nổi khắp người. Có trường hợp còn tưởng mình bị ung thư. Tại sao như vậy và nổi hạch sau tiêm có đáng ngại không?
Ai cần tiêm mũi vắc xin bổ sung, khác mũi 3 như thế nào?
Hiện nay các địa phương đã triển khai tiêm mũi vắc xin bổ sung và mũi vắc xin số 3 cho người dân. Việc tiêm vắc xin để đảm bảo chống lại được các biến chủng mới của virus.
Sai lầm của F0 bị ho là uống thuốc giảm ho
Ho là triệu chứng khá phổ biến ở các F0 sau khi bị virus tấn công hệ hô hấp. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng trong một số trường hợp thì không nên uống thuốc ho vì ho là cách tống thải đờm, dịch cặn ra ngoài.