Bác sĩ giật mình khi thấy tai đứt lìa, lý do bắt nguồn từ xu hướng nhiều teen hay làm
Bấm lỗ, đeo quá nhiều khuyên tai, nữ bệnh nhân tìm đến bác sĩ với toàn bộ phần dái tai đứt lìa, máu chảy, đau đớn.
PGS.TS, BS chuyên khoa tai mũi họng Phạm Thị Bích Đào, BV Đại học Y Hà Nội, cho biết tiếp nhận nhiều trường hợp dái tai bị sưng, nhiễm trùng.
Cá biệt trong số này bác sĩ từng tiếp nhận một ca bệnh hi hữu, sưng nề, đứt lìa dái tai. Nguyên nhân là do… cô gái này đã bấm lỗ, xỏ khuyên và đeo quá nhiều khuyên tai.
Bệnh nhân tìm đến bác sĩ với toàn bộ phần dái tai đứt lìa, đau đớn. Trước khi bị đứt, phần dái tai của bệnh nhân đã sưng tấy đỏ nhiều ngày. Hôm đó, cô chỉ bị vướng nhẹ khuyên vào lắc tay khi chải tóc. Vậy là một khuyên xé toạc dái tai, máu chảy.
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho biết, ở 1/4 dưới loa tai có một phần không có cốt sụn, chỉ có da, tổ chức liên kết và mỡ, gọi là dái tai. Dái tai bị sưng sẽ có kích thước to hơn bình thường, da đỏ và cảm giác nóng, đau.
Dái tai đứt lìa do xỏ quá nhiều khuyên |
Có nhiều nguyên nhân khiến dái tai sưng. Cụ thể: Có thể nhiễm trùng do bấm lỗ tai. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng dái tai, đặc biệt là ở phụ nữ do nhu cầu xỏ khuyên tai làm đẹp.
“Bình thường sau khi bấm lỗ tai sẽ sưng và đau mức độ nhẹ, thuyên giảm sau vài ngày. Nhưng vì lý do nào đó như nhiễm trùng do dụng cụ bấm không sạch, làm cho dái tai sưng nặng hơn, kéo dài. Dấu hiệu thường gặp nếu có nhiễm trùng là sưng tấy, đỏ, ấn vào dái tai thấy đau, thậm chí chảy mủ”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho hay.
Một nguyên nhân khác khiến dái tai sưng còn do viêm da dị ứng …cũng bắt nguồn từ khuyên tai. PGS. TS Bích Đào thông tin, một số loại vật liệu cấu tạo khuyên tai gây kích ứng đối với da của bạn, phần lớn các trường hợp thường gặp là do hợp chất niken.
Trong tình huống này, bác sĩ khuyên bạn nên tháo bỏ khuyên tai và chọn đeo loại khác không chứa thành phần gây kích ứng, các triệu chứng sưng và đau sẽ thuyên giảm.
Ngoài ra, dái tai bị nhọt, u nang nhiễm khuẩn, viêm mô tế bào cũng là nguyên nhân khiến dái tai sưng. Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng u nang bã đậu. U được hình thành từ các nang tuyến bã nằm dưới chân lông của vùng dái tai.
Khi tuyến bã tiết nhiều chất nhầy như ở tuổi dậy thì hoặc vệ sinh tai không sạch sẽ, làm cho lỗ chân lông bị chít hẹp gây ứ đọng, tích tụ chất bã dẫn đến sự xuất hiện của u bã đậu ở vị trí này. U thường có dạng hình tròn, dễ dàng di chuyển với ngón tay; màu sắc da tại chỗ bình thường, đôi khi có thể sẫm màu hơn. Trường hợp nặng, các nang này có thể bội nhiễm vi khuẩn, hình thành nên ổ áp xe ở dái tai. Triệu chứng nặng lên như sốt cao, dái tai sưng tấy, chảy mủ.
Đối với viêm mô tế bào gây sưng dái tai, PGS. TS Bích Đào cho rằng là tình trạng nhiễm trùng da do vi khuẩn tương đối thường gặp. Nó có thể xuất hiện bất cứ đâu trên cơ thể nên dái tai hoàn toàn có thể bị viêm mô tế bào.
Các triệu chứng thường gặp là đau và xuất hiện dưới dạng một vùng da đỏ và sưng tấy, chạm vào rất đau. “Viêm mô tế bào có thể tiến triển gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp đó, bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức”, PGS. TS Bích Đào cảnh báo.
Theo PGS. TS Bích Đào mặc dù hầu hết những triệu chứng này đều có thể tự khỏi nhưng người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa nếu các triệu chứng có xu hướng nặng lên.
Tại bệnh viện các bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân cụ thể để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Tuy nhiên ở nhà người bệnh có thể sử dụng một số phương pháp hỗ trợ để giảm sưng như chườm đá lạnh lên vùng dái tai bị sưng để làm co mạch máu tại chỗ, giảm tình trạng sưng nề; Uống các thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol.
Trong trường hợp bị côn trùng cắn khiến dái tai sưng và viêm da dị ứng (do đeo khuyên) thì có thể bôi tại chỗ thuốc mỡ corticoid, thuốc mỡ kháng khuẩn.
“Nếu dái tai bị sưng đau kéo dài trên một tuần hoặc kèm theo các triệu chứng sốt cao, có mủ tại chỗ thì bạn cần đến cơ sở y tế. Tại đây, nhân viên y tế sẽ tiến hành trích rạch dẫn lưu mủ và uống kháng sinh, kháng viêm, giảm nề theo đơn. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lấy bỏ khố u (nếu có) khi tình trạng viêm ổn định. Đặc biệt với những trường hợp bị rách do đeo quá nhiều khuyên tai thì cần đến viện để khâu phần rách lại đồng thời tháo bớt khuyên”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho hay.
Đặc biệt đối với những bạn trẻ thích xỏ khuyên tai, nếu bị sưng tấy, chảy mủ cần khám bác sĩ. Bởi nếu không được điều trị kịp thời, dái tai, vành tai có thể bị biến dạng gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Đáng lưu ý, dù tình huống này hiếm xảy ra, tuy hiếm, vi khuẩn tại chỗ có thể lan qua đường máu gây nhiễm trùng toàn thân. Đây là một biến chứng nặng có thể gây tử vong. Vì vậy bạn nên đến khám bác sĩ khi nghi ngờ mình mắc bệnh để được điều trị phù hợp.
N. Huyền