Bác sĩ cảnh báo nhiều người xông gừng sả trị Covid-19 sai cách, gây nguy hiểm
Người mắc bệnh Covid-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt, thậm chí gây choáng váng, ngất xỉu.
Gừng, xả, chanh tỏi tăng giá gấp ba, nhiều người đang xông hơi trị Covid-19 sai cách |
Liên tiếp những ngày gần đây, Hà Nội và các địa phương số ca mắc Covid-19 mới liên tục gia tăng. Tại Hà Nội, địa phương có số ca mắc nhiều nhất cả nước, con số tăng ca F0 hàng ngày cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. Đỉnh điểm ngày 19/2, số ca mắc mới xuất hiện tại 30/30 quận huyện với 4.869 trường hợp.
Chữa Covid-19 bằng cách xông họng, xông nhà bằng chanh, gừng, xả phòng chữa Covid-19 đang được nhiều người dân Thủ đô áp dụng.
Theo đó, giá các loại mặt hàng này cũng tăng lên gấp ba. Cụ thể tại chợ Linh Lang (Ba Đình, Hà Nội) giá xả từ 8.000-10.000 đồng/kg (cách đây 1 tuần) những ngày nay đã lên 30.000 – 35.000 đồng/kg, gừng từ 10.000 đồng cũng tăng lên 25-30.000 đồng/kg, chanh cũng tăng giá tương tự.
Việc sử dụng các thảo dược phòng Covid-19 là một trong những biện pháp dự phòng được khuyên dùng, nhưng không phải ai cũng biết làm đúng cách.
Con gái 18 tuổi mắc Covid-19 sau khi quay lại trường học, chị Mai đưa con vào phòng riêng và chiến dịch làm sạch nhà được chị áp dụng triệt để. Ngày nào chị Mai cũng đung nồi nước xông 20l. Khi nồi nước còn sôi sùng sục...chị chắt một nửa đưa vào cho con gái để xông toàn thân. Một nửa còn lại, chị chắt ra từng bát tô nhỏ yêu cầu cả nhà xông mũi họng. Số còn lại để giữa nhà cho bốc hơi đến khi nguội, chị dùng nước đó lau sàn nhà.
Đến ngày thứ 3, cô con gái khi đang xông trong phòng thì chị Mai thấy tiếng con yếu ớt gọi "mẹ ơi". Hốt hoảng chị mở cửa thì thấy con lờ đờ. Chị vội vàng bỏ chăn con đang trùm kín quanh nồi nước, rồi và cho con uống cốc sữa ấm. May mắn, một lát sau con hồi lại.
"Hú hồn", chị Mai nói. Sau hôm đó, chị giảm tần suất xông cho cả nhà. Cô con gái mắc thì chuyển sang xông mũi, họng ngày 2 lần mà không yêu cầu con phải xông toàn thân như mọi khi.
Trong quá trình tư vấn và điều trị cho F0, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhận thấy, nhiều người lạm dụng việc xông mũi, họng và thường làm theo hướng dẫn truyền tai nhau trên mạng xã hội.
Việc xông mũi, họng quá nhiều lần trong một ngày, dễ làm tổn thương niêm mạc đường thở, mất khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước tác nhân gây nhiễm trùng từ bên ngoài.
"Về nguyên tắc, xông mũi họng với gừng, sả... có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp trên, hỗ trợ làm giảm nhẹ triệu chứng nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19", bác sĩ nói.
Bổ sung thêm, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, từ khi có dịch Covid-19, việc xông hơi được rất nhiều người áp dụng.
Nhiều người xông hơi ngày 2, 3 lần với việc nấu 1 nồi nước xông, xông phủ kín toàn thân. Trong khi, người mắc bệnh Covid-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu.
Do đó, với những người nhiễm Covid-19, chống chỉ định xông toàn thân.
TS. BS Ngọc Lan cho biết, thời gian xông mũi nên làm trong 10 - 20 phút với 2 lần/ngày. Nếu chọn tinh dầu thì mỗi lần xông nhỏ vài giọt. Nếu dùng thảo dược tươi thì rửa sạch, thảo dược khô thì phải là loại không bị nấm mốc. Người bệnh không nên lạm dụng xông quá nhiều lần có thể làm cơ thể phản ứng (co thắt lại).
"Người dân không mua tinh dầu, các loại thảo dược trên mạng khi chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng ra sao. Nếu dùng hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì gây bất lợi sức khỏe nếu xông thường xuyên", TS Ngọc Lan khuyến cáo.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.
Ngoài trẻ em, các bác sĩ cho hay người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.
N. Huyền