Bác sĩ cảnh báo căn bệnh khiến bàn tay biến sắc mỗi khi gặp lạnh, không phòng để nặng có thể hoại tử
Mỗi khi gặp lạnh, bàn tay sẽ biến sắc, bệnh nhân thường có cảm giác tê bì, đau buốt đầu ngón tay, nếu tình trạng kéo dài, nặng có thể dẫn tới biến chứng nhiễm trùng, hoại tử đen…
PGS.TS Hoàng Thị Lâm, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, nhiều người thường có cảm giác tê bì, đau buốt đầu ngón tay, chân, khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc stress thì đổi màu đỏ, tím và rất đau. Nếu nhẹ thì da tại các vùng đó sẽ trở nên nhợt nhạt, hoặc đỏ sau đó chuyển sang màu tím, nặng hơn có thể hoại tử đen, nhiễm trùng…
Đây chính là những biểu hiện rất đặc trưng của hội chứng Raynaud. Đáng ngại, hội chứng này dễ xuất hiện vào mùa lạnh và là tình trạng bệnh lý do rối loạn vận mạch, co thắt các mạch máu làm giảm lượng máu tới mô gây thiếu máu cục bộ.
Bệnh nhân M. H (Sóc Sơn, Hà Nội) rất khốn khổ vì đôi tay “biến sắc” của mình. Trong năm chị sợ nhất mùa đông, những ngày Hà Nội chìm trong mưa rét chị gần như không dám ra ngoài đường.
Bác sĩ cảnh báo căn bệnh khiến bàn tay biến sắc mỗi khi gặp lạnh, không phòng để nặng có thể hoại tử |
“Ngay ở trong nhà tôi cũng phải đi găng tay. Nếu không các ngón tay của tôi sẽ chuyển màu sang trắng, rồi lại chuyển sang xanh lét. Những lúc như thế, bàn tay tôi cứ tê dại đi, không làm được gì”, chị M. H kể lại.
Chị cho biết cứ nghĩ nó chỉ là do cơ thể không thích nghi được với thời tiết mùa lạnh dù mùa hè chị cũng rất dễ mắc nhưng vẫn chủ quan không đi khám. Chị chỉ phát hiện mình mắc hội chứng Raynaud sau một lần vô tình đi khám bệnh tổng quát.
TS. BS Hoàng Thị Phượng (BV Da liễu TW) cho biết, hội chứng Raynaud là hiện tượng co thắt của các động mạch làm giảm dòng máu nuôi mô cơ quan. Bệnh thường biểu hiện ở các ngón tay (đối xứng hai bên, đặc biệt ngón trỏ và giữa), và ít xảy ra ở các ngón chân và rất hiếm khi xảy ra ở mũi, tai, hoặc môi.
Hiện tượng này khiến vùng bị ảnh hưởng chuyển sang màu trắng và sau đó là màu xanh, thường kèm theo cảm giác tê hay đau. Khi được tưới máu trở lại, các vùng này chuyển sang màu đỏ và nóng rát. Hội chứng Raynaud thường kéo dài vài phút, nhưng đôi khi có thể kéo dài đến vài giờ, dễ gặp khi thời tiết lạnh hay cảm xúc căng thẳng.
“Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 4% dân số, gặp nhiều ở vùng khí hậu lạnh, khởi phát ở độ tuổi 15-30 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam (tỷ lệ 9/1). Raynaud thứ phát thường gặp ở người lớn tuổi”, TS Hoàng Thị Phượng cho hay.
Đối với bệnh Raynaud nguyên phát khi nguyên nhân không rõ thì chỉ có bất thường về chức năng mạch máu. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Thị Phượng, trong quá trình thăm khám hay gặp các bệnh nhân mắc Raynaud thứ phát - xảy ra trên các bệnh lí nền sẵn có. Theo đó, có tới 50% bệnh nhân mắc chứng bệnh này có bệnh lý nền như: xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống...
Cũng có thể gặp ở những bệnh nhân từng sử dụng thuốc điều trị đau nửa đầu, thuốc tránh thai,.. Hay những người làm công việc phải tiếp xúc với rung động quá mức từ máy móc (thường gặp ở nam giới).
“Bệnh nhân trên 60 tuổi, bệnh mạch máu tắc nghẽn là nguyên nhân thường gặp của hiện tượng Raynaud. Các nguyên nhân gây bệnh tắc nghẽn mạch máu bao gồm viêm tắc mạch do huyết khối, bệnh lý đái tháo đường hoặc xơ vữa động mạch”, BS Phượng nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, PGS. TS Hoàng Thị Lâm cho biết, nghề nghiệp cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc hội chứng Raynaud. Với những người nghề tiếp xúc thường xuyên với chất độc nguy hại, nhiễm độc kim loại nặng, các chấn thương do tai nạn, bỏng lạnh,… dễ mắc hội chứng Raynaud. Với những người có nghề đánh máy, chơi đàn piano, những nghề sử dụng các dụng cụ gây rung chấn như khoan máy, cưa máy… có động cơ học lặp đi lặp lại… cũng là nguyên nhân mắc bệnh.
Bệnh sẽ diễn biến qua các thời điểm: Khởi đầu là ngạt trắng, xảy ra đột ngột, một hoặc nhiều ngón tay trở nên nhợt nhạt, trắng, lạnh, tê, đau hoặc mất cảm giác. Giới hạn phía trên của phần bị co mạch rõ nét, thường trên đốt ngón tay hoặc trên mu bàn tay. Các biểu hiện ở thời điểm này xảy ra trong khoảng vài phút.
Tiếp theo là thời điểm ngạt tím, da tái xanh. Quá trình diễn biến nhanh nên thường không nhận thấy được sự dịch chuyển. Thời gian xảy ra cơn co thắt mạch khác nhau tùy theo từng người. Và biểu hiện này là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán hội chứng Raynaud và phân biệt với chứng tím tái đầu chi thông thường.
Cuối cùng da hồng trở lại, kèm theo cảm giác ngứa, nóng ran (khi mạch máu giãn ra và máu được tưới trở lại).
“Đối với những bệnh nhân nặng có thể gây đau hoặc gây hoại tử ngón. Thời gian diễn biến của cơn phát bệnh rất nhanh, có thể chưa đầy một phút, cũng có thể kéo dài vài giờ hoặc thậm chí vài ngày hoặc vài tuần”, PGS. TS Hoàng Thị Lâm nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, các chuyên gia nhấn mạnh cần phải thay đổi lối sống. PGS. TS Hoàng Thị Lâm nhấn mạnh, người mắc hội chứng Raynaud cần lưu ý quan trọng nhất là tránh lạnh bằng cách:
Không rửa tay hoặc nhúng tay vào nước lạnh, không lấy đồ trực tiếp từ trong tủ lạnh, không uống nước đá hoặc nước trong tủ lạnh.
Đi găng và giữ ấm bất cứ lúc nào cảm thấy lạnh. Giữ ấm toàn cơ thể cũng giúp cho đầu chi ấm.
Người bệnh cần cân bằng cảm xúc, giảm tối đa stress để làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm sẽ làm giảm co thắt mạch.
Không hút thuốc lá, cà phê và tốt nhất nên chuyển nghề nếu người bệnh đang làm những nghề như đánh máy, đánh đàn… vì nếu không sẽ làm nặng bệnh lên.
Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao thể trạng toàn thân và tăng miễn dịch của cơ thể.
Người bệnh cần đi khám bác sĩ kịp thời khi những biện pháp trên đã thực hiện mà bệnh không thuyên giảm.
N. Huyền