Bác sĩ bức xúc với 'đơn thuốc quốc dân chữa bách bệnh' được lan truyền khắp nơi
Có gì trong "đơn thuốc quốc dân"?
Chị H.M. (40 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đi tiểu rắt, buốt gây khó chịu nên đã vào hiệu thuốc, kể bệnh. Nhân viên nhà thuốc bán cho chị đơn thuốc chỉ sau 2 ngày sử dụng triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt đã không còn.
Đơn thuốc này chỉ có 4 loại bao gồm No-spa, Triamcinolone tablets BP 4mg, Ciprofloxacin 500g, Miclacol Blue … Tuy nhiên, sau đó vài ngày, chị tiếp tục xuất hiện lại triệu chứng tiểu buốt. Người phụ nữ này băn khoăn không biết có nên tiếp tục uống thuốc đã mua không? Chị đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám và tư vấn. Nhìn đơn thuốc chị M. đã uống, các bác sĩ không quá bất ngờ vì đây là đơn thuốc kê cho đủ thứ bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đây là đơn thuốc phổ biến được dược sĩ hoặc người dân truyền tay nhau bao gồm các thuốc giãn cơ trơn, corticoid mạnh, kháng sinh và thuốc sát trùng, hiệu quả tức thì.
Ông N.V. T. (67 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trước đó, ông đau đầu gối, thậm chí không đi lại được. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoái hóa và kê đơn thuốc uống.
Tuy nhiên, các loại thuốc này hiệu quả chậm hơn so với đơn ông tự mua ở nhà thuốc. Do đó, mỗi lần đau đầu gối, ông lại ra hiệu thuốc và được bán cho 3-4 loại khác nhau và chỉ 4-5 ngày là đỡ đau, đi lại bình thường. Dù vậy, sau khi ngưng thuốc, tình trạng đau lại xuất hiện nên ông T. trung thành với các loại thuốc này.
Khi trên da tay xuất hiện các vết bầm tím, mặt tích nước, bụng to, chân tay teo lại, ông đến bệnh viện khám. Kết quả, Cortisol trong máu tăng cao đột biến, đái tháo đường, suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc corticoid. Ông T. chia sẻ thuốc giảm triệu chứng nhanh, ho đờm uống cũng khỏi. Ông còn khen và chia sẻ cho nhiều người trong khu phố cùng dùng.
Đơn thuốc như trên được các bác sĩ gọi là "đơn thuốc quốc dân" dành cho nhiều bệnh khác nhau như người bị viêm da, thấp khớp, hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm tuyến giáp, sỏi thận, đái máu, dị ứng… Vì chứa kháng viêm, kháng sinh mạnh nên người bệnh giảm triệu chứng rõ rệt nhưng không trị được căn nguyên của bệnh.
Biến chứng nguy hiểm
Hàng tuần trong khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai đều tiếp nhận 2-3 bệnh nhân bị suy thượng thận đến khám với những biểu hiện như mệt, đau mỏi xương khớp, hay phù, tăng cân. Một số bệnh nhân đã qua nhiều phòng khám trong thời gian dài không có chẩn đoán chính xác. Hỏi qua tiền sử, bệnh nhân đều sử dụng các thuốc như trị đau xương khớp, hen phế quản, dị ứng.
Tại Việt Nam, mọi người dân đều có thể tự mua được các thuốc này theo mách bảo của người khác, dưới các dạng bào chế bôi, hít, uống, tiêm và trộn lẫn vào nhiều loại thuốc Đông y được quảng cáo chữa bách bệnh.
Theo bác sĩ Bảy, người bệnh dùng thuốc vô tội vạ đã gây rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, đục thủy tinh thể, loãng xương, gãy xương, xuất huyết dưới da, hoại tử chỏm xương đùi, hạ kali máu, dễ bị nhiễm trùng, các vết loét lâu liền... thậm chí rối loạn tâm thần. Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lạm dụng corticoid là suy tuyến thượng thận, với các biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp, có thể tụt huyết áp, và đã có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh còn dẫn tới kháng kháng sinh, làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Nếu mắc các bệnh nhiễm trùng sẽ khó điều trị hơn.
Bác sĩ Bảy bức xúc: “Do sử dụng các đơn thuốc quốc dân, bác sĩ truyền nhiễm, thận, nội tiết.. sẽ có thêm công việc vì một số bệnh nhân cần điều trị dài ngày do kháng kháng sinh, suy tuyến thượng thận, nhiễm trùng kéo dài”.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không mua các túi thuốc không có nguồn gốc, hướng dẫn. Nếu không hiểu, cần hỏi bác sĩ để nắm rõ liều lượng và tác dụng phụ.