Bạc Liêu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phù hợp biến đổi khí hậu
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.
Năm 2019, Bạc Liêu đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,61%; so với đầu nhiệm kỳ thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần. Văn hóa, xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%; giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; tai nạn giao thông giảm trên cả 03 tiêu chí; cải cách hành chính có tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong tốp khá của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Thời gian qua, Bạc Liêu đã phát triển toàn diện các lĩnh vực, đóng góp vào thành tích chung của đất nước nhưng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thu ngân sách nhà nước tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chi. Thu nhập bình quân đầu người thấp so mức bình quân cả nước; cải cách thủ tục hành chính và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều ở các cấp, các ngành.
Kết hợp trồng lúa và nuôi tôm ở Bạc Liêu. |
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, Bạc Liêu phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, phát triển các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu, các mô hình tôm, lúa được coi là lợi thế so sánh của địa phương; rà soát các xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thúc đẩy hoàn thành nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của vùng Tây Nam Bộ. Bạc Liêu phấn đấu thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất của cả nước và xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới.
Tỉnh cần phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút các loại hình sản xuất và dịch vụ giá trị gia tăng cao; phát huy thế mạnh tự nhiên của tỉnh để phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, triển khai nhanh các dự án năng lượng điện trên địa bàn; đối với dự án nhiệt điện khí quy mô lớn trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường; thường xuyên bám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để triển khai nhanh dự án, nhất là các dự án phục vụ nhân dân.
Huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp, thoát nước. Phát triển du lịch theo hướng khai thác bền vững những yếu tố văn hóa độc đáo, truyền thống của địa phương, phát động người dân trồng cây xanh để khách tới Bạc Liêu có thể thấy “lúa xanh, biển xanh và nhiều cây xanh”, gìn giữ một Bạc Liêu xanh, sạch, đẹp.
Huy động nguồn lực đầu tư các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, phấn đấu năm 2020 thu hút 3-4 triệu lượt khách du lịch, phấn đấu gia tăng tỷ trọng khách du lịch quốc tế (hiện nay đạt trên 1,7 triệu nghìn lượt).
Bạc Liêu cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề,…). Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, Chăm và Khmer.
Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.