Bắc Kạn: Thông tin từ báo, tạp chí giúp thay đổi tư duy của đồng bào DTTS
Theo đó, các báo, tạp chí cấp phát cho đồng bào DTTS đã đổi mới nội dung, hình thức truyền tải thông tin, trình bày đẹp, ảnh bìa và các hình ảnh minh họa của các ấn phẩm đều hướng tới thị hiếu của đồng bào, giúp người dân dễ tiếp cận, dễ vận dụng vào thực tiễn.
Ngoài các chuyên đề “DTTS và miền núi” trên các báo dành cho người lớn, còn các chuyên đề dành cho trẻ em.
Đại diện của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, các tác phẩm trên 18 đầu báo đã góp phần cổ vũ đồng bào các DTTS vươn lên giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống; cổ vũ tinh thần, nêu gương sáng khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi.
Đồng thời cũng cấp, giới thiệu kiến thức khoa học - kỹ thuật giúp đồng bào DTTS áp dụng vào sản xuất, phản ánh mô hình sản xuất, kinh doanh hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế; chính sách khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề...
Đặc biệt, trên các ấn phẩm báo, tạp chí còn tuyên truyền 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; vận động đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước...
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnhBắc Kạn, hiện đã có496.631 tờ báo các loại được cấp cho hơn 19.000 lượt đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh, từng bước làm thay đổi tư duy của đồng bào các DTTS. |
Điểm nổi bật trên các ấn phẩm báo, tạp chí đã phát huy hiệu quả, tích cực tuyên truyền thông tin định hướng, phản bác và ngăn chặn những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lợi dụng khó khăn của đồng bào để kích động, phá hoại sự đồng thuận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong quá trình thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí cấp cho các đối tượng thụ hưởng; nắm bắt những nhận xét, đánh giá và nguyện vọng của người đọc về các loại báo, tạp chí được cấp để phản hồi về các cơ quan đầu mối thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg.
Đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố thăm nắm tình hình quản lý, khai thác và sử dụng chính sách. Qua khảo sát, đánh giá trên tổng số 17 đầu báo, đa số các báo cấp phát đều được đánh giá chất lượng khá, có 2 đầu báo Báo Nhi đồng và Báo Thiếu niên tiền phong được đánh giá chất lượng tốt.
Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách cấp phát ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ cần xây dựng giai đoạn kéo dài 5 năm như các chính sách dân tộc khác.
Đồng thời ban hành cơ chế quản lý, kiểm tra, đánh giá thực hiện từ Trung ương đến địa phương để có cơ sở đánh giá hiệu quả của các thông tin phục vụ qua báo, tạp chí. Xem xét thực hiện mở rộng địa bàn thực hiện cấp Rađio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2021 theo Quyết định số 1860/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Trên cơ sở đó giảm bớt đối tượng thụ hưởng chính sách cấp báo tạp chí theo Quyết định số 59/QĐ-TTg. Hiện nay, các xã đều đã có hệ thống mạng, việc xem xét giảm bớt đối tượng thụ hưởng như Ủy ban nhân dân xã, các hội, đoàn thể của xã để tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho xã là việc cấp thiết.
Đồng thời kiến nghị các tòa soạn tăng cường nội dung thông tin hướng dẫn kỹ thuật, các mô hình, gương sản xuất kinh doanh giỏi theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, từ đó để người dân dễ áp dụng, nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị vùng dân tộc, miền núi, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.