Bắc Kạn: Đa dạng hóa tuyên truyền pháp luật cho người dân nhằm phát triển KT-XH
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho bà con tỉnh Bắc Kạn |
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi phía Bắc với dân số 313.905 người, trong đó đa phần là dân tộc thiểu số (dân tộc Kinh chỉ chiếm 11,98%) trong khi dân tộc Tày có 165.055 người, chiếm 52,58% dân số; dân tộc Nùng có 28.709 người, chiếm 9,15%; dân tộc Dao có 56.063 người, chiếm 17,86%; dân tộc Mông có 22.607 người, chiếm 7,20%, dân tộc Sán Chay là 1.680 người, chiếm 0,54%; còn lại là dân tộc khác có 2.176 người, chiếm 0,69%.
Đáng lưu ý, người dân tộc thiểu số (DTTS) phần lớn cư trú ở miền núi cao, vùng sâu, vùng xa của Bắc Kạn. Đây cũng là nơi có vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng. Do vậy, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”.
Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL một cách đồng bộ.
Tính riêng trong năm 2019, Ban Dân tộc đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho Ban chỉ đạo và Nhóm nòng cốt của 2 Mô hình điểm thực hiện đề án tại xã Đổng Xá, huyện Na Rì và xã Yến Dương, huyện Ba Bể.
Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đồng bào DTTS tại huyện Chợ Mới và phối hợp xây dựng chuyên mục phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về “Chính sách Dân tộc ” bằng 3 ngôn ngữ dân tộc thiểu số (Mông - Dao - Tày).
Phối hợp tổ chức tập huấn và tuyên truyền tại 2 mô hình điểm về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông và xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể với trên 300 người tham dự.
Trong năm, Ban Dân tộc thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện cấp phát báo, tạp chí trên địa bàn tỉnh, theo đó, toàn tỉnh đã cấp phát được 292.202 tờ báo các loại, với 18 đầu báo. Nhìn chung, nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí đa dạng, phong phú về nhiều lĩnh vực phù hợp với nhiều đối tượng như: Tình hình chính trị trong nước và quốc tế, phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi... qua đó đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao về nhận thức, trình độ dân trí.
Ngoài ra, Ban Dân tộc phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình, tổ chức tuyên truyền tại 11 mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 1.034 người là trưởng thôn, người có uy tín, nam, nữ trong độ tuổi vị thành niên, các em học sinh và người dân trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông biên soạn phát hành 4.500 tờ gấp về “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” phục vụ công tác tuyên truyền; đồng thời phối hợp với cán bộ tư pháp hộ tịch xã tổ chức tư vấn tại chỗ cho các đối tượng là nam nữ thanh niên trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn và nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân. Việc triển khai tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ cơ sở và người dân, nhất là các em học sinh lứa tuổi phổ thông trung học tại các địa bàn triển khai mô hình.
Nhờ những biện pháp tích cực, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương cho biết, đa số người dân thuộc vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã được tiếp cận với các quy định của pháp luật, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận cao trong xã hội góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng ngừa tội phạm vùng DTTS và miền núi.