Bắc Giang: Giảm tải cho tuyến trên nhờ mô hình “Trạm y tế gia đình”
Ảnh minh hoạ. |
Theo tinh thần nghị quyết số 20/NQ-TW: Bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân gắn với đổi mới y tế cơ sở đến nay tỉnh Bắc Giang vẫn tiếp tục mở rộng các mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên tắc phòng khám bác sĩ gia đình.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 230 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.
Từ năm 2011, Sở Y tế Bắc Giang đã tham mưu với UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án quản lý, điều trị ngoại trú có kiểm soát bệnh không lây nhiễm và mạn tính giai đoạn 2011-2020 nhằm quản lý tốt người mắc các bệnh không lây nhiễm.
Hàng năm thông qua các kế hoạch, Đề án của tỉnh, ngành y tế triển khai mới từ 30-35 xã đủ điều kiện để quản lý bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp) và từ 2016 triển khai quản lý bệnh đái tháo đường; năm 2018 triển khai quản lý điều trị hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính. Tổ chức khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư, đái tháo đường và tăng huyết áp...
Trước khi chuyển giao mô hình quản lý xuống bệnh viện đa khoa huyện, thành phố, Sở Y tế đã làm việc và thống nhất chủ trương với Bảo hiểm xã hội tỉnh để làm cơ sở thanh toán chi phí cho người bệnh được thuận lợi. Đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố về chẩn đoán, điều trị, phân loại, sử dụng thuốc và đọc điện tim và học cách quản lý tại BVĐK tỉnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu Bệnh viện đa khoa tỉnh cử cán bộ xuống tận nơi để hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Tính đến hết Quý III năm 2018, toàn tỉnh đã quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm cho trên 86.000 người: Tăng huyết áp 53.120 người; Đái tháo đường 15.155 người; hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính: 3.094 người; còn lại là các bệnh khác. Các trạm y tế xã hiện đang quản lý 18.754 bệnh nhân tăng huyết áp tại 187/218 trạm y tế xã (chiếm 85,7% tổng số trạm y tế xã trong tỉnh).
Để có được kết quả như trên, trong các kế hoạch, Sở Y tế Bắc Giang đã xây dựng quy trình chuẩn như công tác tập huấn cho trạm trưởng về mô hình quản lý, điều trị ngoại trú tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính tại cơ sở.
Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, các bác sĩ tuyến trên sẽ trao đổi chuyên môn với các bác sĩ trạm y tế học theo hình thức "cầm tay chỉ việc” tại các đơn vị quản lý, điều trị ngoại trú tại các bệnh viện huyện ít nhất 2 tháng.
Còn các trạm y tế, để công việc hiệu quả, việc chuẩn bị vật lực cũng rất quan trọng. Các trạm y tế đủ điều kiện triển khai phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và cơ chế phối hợp thanh quyết toán với cơ quan BHYT, đảm bảo cho người bệnh được hưởng đầy đủ dịch vụ tại trạm y tế xã.
Bệnh nhân được chuyển về trạm y tế xã quản lý sẽ được dùng thuốc ổn định như phác đồ của bệnh viện đa khoa huyện chuyển về. Hàng tháng, quý trạm y tế xã gửi dự trù thuốc lên bệnh viện đa khoa huyện.
Định kỳ đến 6 tháng đến 01 năm, bệnh nhân được giới thiệu lên bệnh viện đa khoa huyện để làm lại các xét nghiệm cần thiết để đánh giá kết quả điều trị và phát hiện tổn thương cơ quan đích.
Trong tương lai, ngành y hướng tới mô hình trạm y tế xã phải thực hiện được các nhiệm vụ quản lý bệnh không lây nhiễm, tiêm insulin ở trạm y tế, xây dựng hồ sơ sức khỏe cho người dân… Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang cho rằng với các kết quả đã đạt được như hiện nay Bắc Giang sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trạm y tế xã điểm trong tỉnh.