Ba Vì phấn đấu có thêm 2 xã về đích nông thôn mới năm 2018
Ông Đỗ Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì |
Ông Hưng cho biết, thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy Ba Vì về “Phát triền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân” giai đoạn 2016 - 2020, đến hết năm 2017 toàn huyện có tổng số 13/30 (đạt 43,33%) xã đã được cồng nhận đạt chuẩn NTM.
Các xã đạt chuẩn NTM bao gồm: Cổ Đô, Thuần Mỹ, Tản Hồng, Phong Vân, Châu Sơn, Phú Phương, Phú Châu, Đông Quang, Thụy An, Sơn Đà, Thái Hòa, Phú Sơn và Ba Trại.
Hiện nay các xã tiếp tục xây dựng kế hoạch củng cố, duy trì, giữ vững và hoàn thiện các tiêu chí; tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và phân đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo QĐ số 4212/QĐ- UBND ngày 20/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội.
Năm 2018, Ba Vì đăng ký phấn đấu thêm 2 xã Phú Cường và Chu Minh đạt nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới thành 15/30 xã (đạt 50%).
Đối với 15 xã còn lại chưa hoàn thành xây dựng NTM: UBND các xã đã tích cực triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tập trung triển khai thực hiện các tiêu chí dễ làm, cần ít kinh nghiệm hơn.
“Năm 2019 phấn đấu thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt NTM là 21/30 xã (70%). Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành NTM các năm tiếp theo”, ông Hưng nhấn mạnh.
Về các điều kiện thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, được sự quan tâm của Thành phố, chỉ đạo tích cực của Huyện ủy, HĐND huyện, sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành các tổ chức chính trị - xã hội, huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tạo được sự đồng thuận cao của toàn dân đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình đã được thành lập từ huyện đến cơ sở và luôn được củng cố, kiện toàn. Công tác triển khai lập quy hoạch, xây dựng đề án xã theo tiêu chí nông thôn mới được triển khai thực hiện cơ bản theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch huyện Ba Vì cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng nông thôn mới. Đó là do xuất phát điểm của các xã còn thấp, kinh tế xã hội chậm phát triển, đặc biệt là 07 xã đồng bào dân tộc miền núi và 01 xã giữa sông. Nhu cầu cần đầu tư nâng cấp về xây dựng cơ sở hạ tầng quá lớn: cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa (Nhà văn hóa xã, sân vận động trung tâm, nhà vãn hóa thôn), hệ thống đường giao thông nông thôn, đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi... cần nhiều kinh phí để thực hiện; Tỷ lệ đạt các tiêu chí không đều giữa các vùng; tốc độ phát triển chậm và khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Vị phó Chủ tịch UBND huyện cũng kiến nghị, để hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ công tác xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, UBND huyện đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, UBND và các sở ngành thành phố tiếp tục có cơ chế chính sách huy động nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho huyện Ba Vì đầu tư đạt chuẩn các tiêu chí còn chưa đạt đối với 15 xã còn lại.