Ba mẹ ra “luật” để con thi hành?
Lý do con cái ngang bướng một phần là do quy luật “bất thành văn” này không được mọi người tôn trọng, giữ gìn mà nó chỉ phủ lên “nhóm yếu thế”.
Để tăng cường sức đề kháng, phòng chống dịch, ba mẹ đặt ra nội quy cho cả nhà là thường xuyên tập thể dục, ăn ngủ điều độ và hàng loạt điều cấm: cấm tắm khuya, cấm uống nước đá, cấm xem điện thoại trong bóng tối, cấm nằm ì quá hai tiếng đồng hồ (trừ ngủ về đêm)…
Ban đầu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, cả nhà tuân thủ tốt những gạch đầu dòng đó nhưng dần dần ba mẹ lại làm trái “luật” mà chính ba mẹ tạo ra.
Ba mẹ yêu cầu con và em trai phải đi ngủ trước 22 giờ 30 nhưng có hôm 0 giờ, 1 giờ sáng, con thức giấc, xuống trệt đi vệ sinh và uống nước vẫn thấy ba mẹ còn thức, người thì lướt mạng, người đọc sách.
Con thấy vấn đề này không chỉ xảy ra khi dịch bệnh mà nó còn xuất hiện thường ngày. Ba mẹ sử dụng “quyền làm cha mẹ” để áp đặt con cái, tạo ra “luật” gia đình để ép con phải theo cái này cái kia.
Ảnh minh họa |
Một đứa trẻ không dám làm trái lời ba mẹ vì sợ bị la, bị đánh hoặc nói đạo lý bên tai suốt ngày. Không dám phản biện nhưng đứa nhỏ luôn ấm ức, khó chịu.
Chưa kể đến cái bệnh mang tên lười, khi con than thở “con không làm cái này nữa đâu, mệt lắm”, sẽ có một tràng dài những lời khuyến cáo: “Làm tiếp đi con, nó tốt cho sức khỏe lắm”. Nhưng tới lượt người lớn đổ lười thì con không được “nhắc nhở” vì như vậy là hỗn, là trả treo, là không ngoan.
Theo con, nếu ai tạo ra luật lệ để cả gia đình thực hiện, thì người ấy càng phải làm gương chứ không phải kiểu: “Tôi làm ra cái luật này mà, tại sao tôi phải chấp hành trong khi tôi có thể sửa luật chứ?”.
Nếu cảm thấy bản thân không thực hiện được, thì hủy bỏ để mọi người trong gia đình hòa thuận với nhau, một phần cũng là giữ uy tín cho bản thân.
Nói chuyện này, con liên tưởng đến vòng kim cô trong phim Tây Du Ký. Khi trò Tôn Ngộ Không vi phạm điều cấm thì sư phụ Đường Tăng niệm thần chú siết chặt vòng kim cô khiến trò đau đầu. Ngược lại, nếu sư phụ phạm lỗi thì không có chế tài nào. Con tự hỏi liệu có “vòng kim cô” cỡ to đeo vừa cho người lớn hay không?
Hôm qua mẹ đang ăn bún bò, bỗng điện thoại tít tít, mẹ xoay qua nhắn tin khí thế. Hồi lâu, con nhắc: “Mẹ ăn đi. Tô bún nguội hết rồi kìa mẹ!”. Mẹ vẫn cắm mắt vào điện thoại nói: “Ờ, chút ăn, vụ này quan trọng”.
Mẹ tủm tỉm cười với màn hình như vậy khiến con nghĩ hai chữ “quan trọng” kia chỉ là nói cho qua. Đang trong bữa ăn mà sử dụng điện thoại (trừ lúc có cuộc gọi đến) là điều nhà mình nghiêm cấm, mà mẹ vẫn điềm nhiên vi phạm trước các con.
Lý do con cái ngang bướng một phần là do quy luật “bất thành văn” này không được mọi người tôn trọng, giữ gìn mà nó chỉ phủ lên “nhóm yếu thế”.
Sao ba mẹ không cùng thực hiện để con có thể thấy được niềm vui khi làm việc đó cùng với ba mẹ, tạo thêm động lực cho cả gia đình? Và trên hết vì những điều đó là tốt, tích cực nên các con cũng muốn ba mẹ được hưởng lợi. Tại sao lại không?
Con mong những người cha người mẹ có thể thay đổi cách nhìn và mong rằng các cô, chú có thể cùng con mình thực hiện những “gia quy” để giữ bầu không khí gia đình ấm áp, công bằng.
Thủy Thanh (Q.4, TP.HCM)
Bà mẹ dạy con 18 tháng tự nấu ăn khiến dân mạng kinh ngạc
Bà mẹ trẻ đã dạy hai con trai (một bé 3 tuổi và một bé 18 tháng) về kỹ năng vào bếp.
Theo www.phunuonline.com.vn