Bà mẹ Huế bán hàng rong nuôi 3 con thành Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài: Bí quyết dạy con không thua kém nhà giáo dục!
Do gia cảnh nghèo khó cô Duy Gắn phải thôi học từ lớp 4 nhưng cô vẫn cùng chồng nuôi dạy 3 con thành tài, chinh phục đỉnh cao tri thức.
Mẹ thôi học từ lớp 4, nuôi 3 con thành tài
Cô Duy Gắn (sinh sống và làm việc tại Huế) gần đây khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi có 3 người con học rất giỏi và thành đạt. Người mẹ nghèo từng phải thôi học từ lớp 4 cũng luôn tự hào khi nhắc về những đứa con của mình.
Theo chia sẻ của cô, con gái đầu lòng tên Nhi (SN 1988) tốt nghiệp Tiến sĩ bên Nhật. Con trai thứ tên Tài (SN 1991) hiện là Trợ lý Chuyên môn trường quốc tế UKA - Huế. Con gái út có tên là Anh (SN 1996) vừa hoàn thành chương trình Thạc sĩ ở Pháp và tiếp tục nhận học bổng để học lên tiếp.
Cô Duy Gắn kể với Infonet: "Tôi lúc còn nhỏ rất thích đi học nhưng vì ba qua đời lúc tôi mới 11 tuổi, là chị cả nên tôi chỉ được học đến lớp 4 rồi phải nghỉ để phụ mẹ nuôi các em. Chồng tôi cũng chỉ học hơn tôi vài lớp do hoàn cảnh khó khăn.
Thế nhưng vì yêu thích, ao ước được học nên chúng tôi gửi gắm giấc mơ đó vào những đứa con. Vợ chồng tôi luôn mong con cái học được cái chữ để thoát nghèo. Vì vậy dù khổ đến mấy thì vẫn cố gắng nuôi con ăn học".
Ảnh chụp Tết năm 1997, lúc này con gái út của cô Duy Gắn mới tròn 1 tuổi. |
Bức ảnh kỷ niệm 30 năm ngày cưới của cô Duy Gắn. |
Nhiều người nghĩ rằng, khi cho con du học nước ngoài, kinh tế gia đình ít nhất cũng phải ở mức khá giả trở lên, nhưng hoàn cảnh nhà cô Duy Gắn thì trái lệch hoàn toàn. Bao năm nay, người phụ nữ này vẫn làm nghề bán hàng rong còn chồng thì làm nghề chạy xích lô để nuôi các con ăn học. Thu nhập "ba cọc ba đồng" nhưng vợ chồng cô vẫn cố hết sức để các con theo đuổi được đam mê.
"Ngày trước tôi bán hàng rong, gánh chè chạy khắp thành phố còn ba tụi nhỏ làm nghề đạp xích lô chở hàng. Hồi đó xã hội nghèo chưa có xe tải, khách du lịch không có nên xích lô chở hàng khá phổ biến ở Huế.
Hành trình nuôi con ăn học chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều lần tưởng chừng con phải đứt gánh giữa đường nhưng thấy tội nghiệp con nên chúng tôi luôn cố gắng thêm chút nữa. Nhờ trời thương nên các con cũng có một số thành tựu nho nhỏ", bà mẹ 3 con chia sẻ.
Thấu hiểu nỗi vất vả của ba mẹ, đồng thời cũng mang "gen" hiếu học, 3 người con của cô Duy Gắn đều học hành chăm chỉ và có chí cầu tiến. Họ đều cố gắng giành những suất học bổng toàn phần khi du học để bố mẹ đỡ phải lo nghĩ nhiều về chuyện kinh tế.
“Dù cũng chưa thể gọi là thành công nhưng tôi rất tự hào về các con của mình. Vì ý thức mình là con nhà nghèo nên các con khá ngoan và chăm học. Thời đại học thì các con cũng chủ động đi làm thêm. Vợ chồng tôi chỉ hỗ trợ các con xong bậc cử nhân còn lại các con tự xoay xở để xin việc hay xin học bổng nước ngoài" - cô Duy Gắn tự hào kể về các con.
Con gái đầu Uyên Nhi nhận bằng khen khi du học ở Nhật Bản. |
Con gái út nhận bằng Thạc sĩ tại Pháp. |
Con trai hướng dẫn học sinh tại trường. |
Bí quyết dạy con khiến nhiều người ngưỡng mộ
Nuôi 3 con ăn học thành tài, cô Duy Gắn vừa cảm thấy may mắn vừa thương các con hơn. Bà mẹ gốc Huế cho biết, bản thân không có bí quyết dạy con cao sang gì ngoài tình yêu thương các con. Mọi nguyên tắc khi cô dạy con đều xuất phát từ tình yêu. Có như vậy các con mới cảm nhận được cha mẹ thương mình mà cố gắng.
"Tôi nghĩ bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng đều yêu thương con theo cách riêng của họ, vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ. Vậy nên tôi có đánh mắng khi các con hư nhưng các con vẫn rất yêu mẹ", cô Gắn tâm sự.
Cô Duy Gắn tự hào chia sẻ bức ảnh con gái út chụp cùng bạn khi du học. |
Ngoài việc thường xuyên nói lời yêu thương, dưới đây là một số cách mà vợ chồng cô Duy Gắn thể hiện tình yêu với con cái:
Làm gương cho con
Ba mẹ rất chăm chỉ làm việc để con cái hiểu ai cũng có nhiệm vụ của mình. Ba mẹ làm việc còn con thì học hành nghiêm túc.
"Thời còn trẻ, cả năm vợ chồng tôi không có ngày nghỉ nào. Tôi đi bán quanh năm chỉ nghỉ vài ngày Tết lo cúng lễ bàn thờ tổ tiên, còn ba tụi nhỏ nếu chủ gọi thì cũng chở hàng luôn vào ngày mùng 1 Tết", cô Duy Gắn kể.
Không quá kỳ vọng hay ép buộc nếu con không đủ sức
Cô Duy Gắn chia sẻ: "Bé út nhà tôi hồi nhỏ sức khoẻ không tốt, đi chạy chữa đủ các nơi nên vợ chồng tôi đã nhủ thầm với nhau là chỉ cần con mạnh khoẻ là được chứ không cần đòi hỏi con phải giỏi giang như anh chị. Trộm vía là bé sau này rất giỏi và ngoan, quan tâm ba mẹ".
Quan tâm đến cảm xúc của con
"Con đầu nhà mình ăn uống theo cảm xúc. Những đêm đi học thêm về muộn thì nó cũng ăn uống qua loa rồi đi ngủ vì nó buồn khi ăn một mình. Tôi thường sẽ ngồi tâm sự với con để đảm bảo nó ăn hết phần cơm. Lúc này con kể những chuyện trong ngày, nhờ vậy mà mẹ con cũng gắn kết hơn.
Hay một câu chuyện khác về học phí: Dù khó đến mấy thì vợ chồng tôi cũng phải dành dụm tiền nộp học cho con. Nếu cần thiết thì nộp đơn xin miễn giảm học phí chứ không để con bị thầy cô giáo đuổi về vì không có tiền nộp. Các con nhỏ cũng cần sĩ diện. Nếu bị xấu hổ, tôi lo các con sẽ không muốn đi học nữa", cô Duy Gắn nhớ lại.
Quan tâm đến tình hình học tập của con
"Tôi nhớ năm con đầu lên lớp 8, năm đó con bắt đầu học môn hoá học nhưng con không hiểu bài giảng trên lớp nên bị điểm thấp. Tối đó con khóc thút thít.
Chồng tôi 9h tối mới về đến nhà sau ngày đi chở hàng nặng nhọc. Lúc đó mồ hôi đầy người nhưng anh vừa bưng chén cơm vừa dạy cho con gái cách cân bằng phương trình hoá học bằng cách cầm phấn trắng viết trên nền nhà đất. Chồng tôi dù đã phải bỏ học nhiều năm nhưng ngày xưa thời phổ thông anh ấy học rất giỏi, vì thế vẫn còn nhớ vài kiến thức cơ bản để giúp con khi cần.
Sau buổi phụ đạo thì con gái đã ngộ ra và mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Sau này con bé còn được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của thành phố và thi đại học được 9.75 điểm môn hoá. Và con luôn nhớ về buổi học khai sáng nhờ ba mình. Theo tôi đó là kỉ niệm đẹp giữa hai ba con", người mẹ xứ Huế nói.
Có mặt trong tất cả những sự kiện của các con
Dù bận buôn bán hay chở hàng, vợ chồng cô Duy Gắn không bao giờ vắng bất kì buổi họp phụ huynh nào. "Vợ chồng tôi cũng chở con đi thi học sinh giỏi các cấp bằng xe đạp, sau này là xe máy. Chồng tôi luôn tự mình lên ga tàu, sân bay để đưa đón các con khi đi xa về dù là đi chơi hay đi học, đi công tác...", cô Gắn nói về sự tận tâm của chồng với các con.
Cố gắng công bằng với các con
Theo cô Gắn thì ở Huế tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn khá nặng nề. Vợ chồng cô là những người khá truyền thống nên cũng không tránh khỏi chuyện đó.
Thế nhưng hai vợ chồng luôn cố gắng công bằng nhất có thể, yêu thương và cho con gái học hành đầy đủ không thua kém con trai.
Làm bạn với con
Các con hay kể về chuyện trường lớp, về những người bạn nên cô Gắn nhớ hết tất các đặc điểm của các bạn con. Vậy nên khi các bạn đến nhà chơi cô có thể dễ dàng chỉ ra bạn nào. "Có vẻ các bạn trẻ rất ngạc nhiên về điều đó và thấy mình rất ngầu", cô Gắn phát hiện ra điều đặc biệt.
Ủng hộ quyết định của con
Cô Gắn tâm sự, vợ chồng cô không được học nhiều, cũng không được đi nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết nơi mình sinh ra. Vậy nên hai vợ chồng luôn nghĩ rằng con đường bằng phẳng nhất cho con cái là lúc nhỏ ráng học giỏi, học xong rồi đi làm đúng ngành nghề, lấy vợ chồng ở quê rồi sinh con đẻ cái.
Thế nhưng cuộc đời là những ngã rẽ, các con có những mong muốn đôi khi khiến vợ chồng cô thật sốc, ví dụ như đòi đi du học, tự mở trung tâm gia sư, trung tâm luyện thi tại nhà khi còn là sinh viên, bán hàng online hay lấy chồng người nước ngoài...
Dù không dễ gì nhưng rồi vợ chồng cô cũng học cách để hiểu rằng đó là ước mơ của các con, là cách mà các con thể hiện bản thân với thế giới. Các con muốn sải cánh bay trên bầu trời cao rộng. Vì hạnh phúc của con nên vợ chồng cô đều đã đồng ý. Ba mẹ cũng trưởng thành mỗi ngày cùng với sự trưởng thành của các con.
Nghiêm khắc
"Khi con trai vào tuổi teen thì cũng có những biểu hiện nổi loạn của tuổi dậy thì như lười học, trốn học đi chơi game... Lúc đấy tôi phải cao tay và cho con biết rằng mẹ không dễ bị qua mặt. Sau khi nói dối vài lần đều bị mẹ phát hiện thì con không dám nữa.
Tôi đã can thiệp kịp thời nên may mắn những thời điểm quyết định như thi vào trường chuyên, thi đại học... con đều đỗ. Hai con gái thì chủ động học và ngoan hơn nên tôi không phải nhắc nhiều.
Làm cha mẹ là hành trình gian nan không ngừng nghỉ cho đến cuối đời. Tuy nhiên được làm cha mẹ cũng là một đặc ân của trời đất. Chúc tất các các bạn có những đứa con ngoan ngoãn, hạnh phúc và thành công!", cô Duy Gắn nhắn nhủ.
Bạch Dương
Ảnh: NVCC
Nghiên cứu của ĐH Harvard: 3 kiểu giao tiếp của cha mẹ dễ khiến con tổn thương IQ và EQ!
Nghiên cứu của Harvard chỉ ra, việc giao tiếp sai cách của cha mẹ khiến cấu trúc não của trẻ bị thay đổi, ảnh hưởng không tốt tới trí tuệ của trẻ.