Mỹ: Khủng hoảng lương thực thời Covid-19 có nguy cơ lan rộng
Số người mắc Covid-19 tại Mỹ hiện đã vượt 5,5 triệu ca, trong đó hơn 170.000 người đã tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) dự đoán số người chết vì đại dịch tại nước này có thể lên tới 189.000 người vào ngày 5/9.
Vắc-xin Covid-19 là cơ hội để ông Putin củng cố ảnh hưởng ở châu Phi?
Theo chuyên gia Damien Glez của tờ Jeune Afrique (Pháp), bất chấp sự hoài nghi của phương Tây về vắc-xin Covid-19 của Nga, các nước châu Phi dường như vẫn quan tâm đến việc phát triển vắc-xin của Moscow.
The Wall Street Journal đưa tin, các biện pháp của chính phủ để hỗ trợ kinh tế cho người dân trong thời kỳ đại dịch Covid-19 ở Hoa Kỳ đã có hiệu quả theo cách riêng, nhưng khi ngày càng nhiều người không thể tự nuôi sống bản thân hoặc con cái thì các nhà chức trách lại gặp khó khăn, không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề.
Khủng hoảng thiếu lương thực ở Mỹ bất chấp nỗ lực của chính phủ. (Ảnh: Reuters) |
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, số lượng người Mỹ không thể tự mình nuôi sống bản thân và gia đình đang tăng dần.
Vào tháng 7, khoảng 12,1% người được hỏi cho rằng gia đình họ không có đủ tiền ăn, trong khi tháng 5 có 9,8% người như vậy. So với thời điểm đầu tháng 6, khi 17% người được hỏi thừa nhận rằng họ không thể cung cấp đầy đủ thức ăn cho con cái thì theo thông tin mới nhất có 20% người Mỹ phàn nàn về vấn đề tương tự.
Theo ghi nhận của các “ngân hàng thực phẩm”, trong những tháng gần đây người dân nước này đã bắt đầu tìm đến họ thường xuyên hơn để nhận sự giúp đỡ. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), từ tháng 3 đến tháng 4, số người nhận phiếu thực phẩm thông qua hỗ trợ của chính phủ đã tăng 16%.
Nhà kinh tế học Diane Whitmore Schanzenbach của Đại học Northwestern nhận định: “Tôi thấy rõ rằng có một vấn đề lớn ở đây và vấn đề này có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008”.
Theo dự đoán của các chuyên gia, giờ đây khi các nhà chức trách ngừng chi trả khoản trợ cấp 600 USD hàng tuần cho những người bị mất việc làm do đại dịch Covid-19, nhiều người Mỹ thậm chí sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực.
Hiện tại, vẫn còn những tranh chấp trong chính phủ: Đảng Dân chủ nhất quyết gia hạn thanh toán và Đảng Cộng hòa ủng hộ việc cắt giảm chi phí. Trong khi Quốc hội không thể đồng ý, Tổng thống Donald Trump đã “lách luật” ban hành một sắc lệnh về việc duy trì phúc lợi, nhưng với số lượng giảm bớt, chính quyền liên bang sẽ chi trả 300 USD mỗi tuần, và chính quyền tiểu bang sẽ phải cung cấp thêm 100 USD.
Bà Katie Fitzgerald, giám đốc điều hành của Feeding America, hiệp hội quản lý 200 ngân hàng thực phẩm và 60.000 kho thực phẩm cứu trợ trên toàn quốc, cảnh báo sẽ có nhiều người cần sự giúp đỡ.
“Chúng tôi đã dành một lượng lớn các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Chúng tôi lo sợ rằng để tiếp tục làm việc, chúng tôi có thể rất cần sự hỗ trợ của liên bang, bởi vì chúng tôi khó có thể làm được gì nếu nhu cầu tăng hơn nữa”, bà Fitzgerald nói.
Ở bang Virginia, các dịch vụ xã hội cũng đang chuẩn bị cho một loạt các đơn xin tem phiếu thực phẩm. Người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 33.000 gia đình đủ điều kiện tham gia chương trình.
Theo các chuyên gia, có một số yếu tố gây nên tình trạng thiếu lương thực trong thời kỳ đại dịch.
Thứ nhất, những người bị mất việc không nhận được trợ cấp ngay lập tức và có thể gặp khó khăn khi mua thực phẩm trong khi chờ đợi các khoản thanh toán đầu tiên.
Thứ hai, một số trường học và các cơ sở giáo dục khác cung cấp bữa ăn miễn phí cho trẻ em và khi mọi thứ đóng cửa, không phải tất cả phụ huynh, ngay cả những người đã giữ công việc cũng khó có thể tìm thấy tiền để trả thêm cho chi phí ăn uống.
Thứ ba, do nguồn cung bị gián đoạn trong chế độ tự cách ly, giá lương thực trong tháng 7 đã tăng hơn 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia nhận định những biện pháp của chính phủ đã đóng một vai trò tích cực trong việc cung cấp thực phẩm cho người Mỹ. Theo một nghiên cứu của Viện Brookings, có tới 3,9 triệu trẻ em đã có thể thoát khỏi nạn đói nhờ vào một chương trình bù đắp một phần thức ăn cho các gia đình mà chúng không nhận được do trường học đóng cửa. Nhưng vào mùa hè, sáng kiến này không còn hiệu quả.
“Mỗi biện pháp đều có hiệu quả theo cách riêng của nó, nhưng chúng tôi chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề”, Lauren Bauer, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.
Trung tâm cứu trợ ở Washington hiện phân phát khoảng 400 gói thực phẩm đóng hộp và ngũ cốc mỗi tháng, mặc dù trước đại dịch trung tâm thường cung cấp khoảng 100 suất như vậy.
Thanh Bình (lược dịch)