Ba hiểu lầm lớn về dị ứng thực phẩm, cha mẹ phải cẩn thận
Dị ứng thức ăn là phản ứng miễn dịch quá mức đối với các thành phần thực phẩm, thường là các protein. Các biểu hiện khác nhau và có thể bao gồm viêm da dị ứng, triệu chứng tiêu hóa hoặc các triệu chứng hô hấp và sốc phản vệ. Việc chẩn đoán dựa trên tiền sử và đôi khi là xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu dị ứng, xét nghiệm da…
Chúng ta thường nhìn những biểu hiện bên ngoài và có những kết luận không đúng về dị ứng, điển hình là những quan niệm dưới đây:
1. Xét nghiệm lẩy da dương tính (SPT) cho thấy dị ứng thực phẩm? Âm tính có nghĩa là không dị ứng?
Xét nghiệm lẩy da (SPT) là một xét nghiệm sàng lọc loại dị ứng thực phẩm qua trung gian IgE. Kết quả xét nghiệm dương tính chỉ có thể cho biết khả năng dị ứng với thực phẩm chứ không phải là dị ứng nhất định.
Kết quả âm tính về cơ bản có thể loại trừ khả năng xảy ra phản ứng dị ứng trong vòng 2-3 giờ sau khi tiếp xúc với thực phẩm, nhưng không thể loại trừ khả năng xảy ra phản ứng dị ứng trong vòng 2-3 ngày.
Do đó, các bà mẹ có thể sử dụng nó như một tài liệu tham khảo để phát hiện chất gây dị ứng và chú ý đến một lượng nhỏ và nhiều lần khi thêm thực phẩm bổ sung.
2. Có thể tránh tất cả các thực phẩm gây dị ứng
Điều này là rất khó. Nếu chất gây dị ứng không chắc chắn, nên tránh các loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến: sữa, trứng, cá, đậu nành, lúa mì, đậu phộng, tôm… Theo thống kê, 90% phản ứng dị ứng là do các chất gây dị ứng thực phẩm này gây ra. Sau 2-4 tuần tránh ăn, các triệu chứng dị ứng đã cải thiện rõ rệt.
Để xác định thực phẩm gây dị ứng, đặc biệt là trẻ nhỏ, thì mỗi lần chỉ nên ăn một loại thức ăn. Đối với trẻ lần đầu tiên cho ăn dặm, tốt nhất nên chọn thức ăn đơn giản, ít gây dị ứng.
3. “Không dung nạp Lactose” có phải là dị ứng thực phẩm?
“Không dung nạp Lactose” là một loại không dung nạp thực phẩm, còn được gọi là dị ứng thực phẩm mãn tính, phần lớn là do các thành phần hóa học gây ra, bao gồm phản ứng miễn dịch, phản xạ đường tiêu hóa, hoạt động trao đổi chất, phản ứng ngộ độc,...
Các triệu chứng xuất hiện từ từ, chủ yếu liên quan đến các triệu chứng đường tiêu hóa. “Dị ứng thực phẩm” phần lớn là do protein gây ra, là phản ứng miễn dịch, khởi phát tương đối nhanh, thậm chí có thể gây ra các triệu chứng hô hấp như viêm mũi dị ứng, ho.
Một số triệu chứng khi bị dị ứng thức ăn: Triệu chứng và mức độ của dị ứng thức ăn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, loại thức ăn và lượng thức ăn nạp vào cơ thể nhưng nhìn chung, đều có các biểu hiện cơ bản dưới đây.
Ngứa và phát ban: Một trong những dấu hiệu rất dễ nhận biết khi bạn bị dị ứng với thức ăn là ngứa ngáy, phát ban đỏ ở những vùng da mặt (đặc biệt là miệng), da cổ, bàn tay, bàn chân hoặc toàn thân. Đặc biệt, dị ứng thức ăn cũng có thể biểu hiện qua triệu chứng ngứa ra trong miệng, nhất là môi, lưỡi, cổ họng…
Tức ngực, khó thở: Tình trạng dị ứng với thức ăn nếu không được xử lý kịp thời có thể khiến vùng họng bị tổn thương, sưng, vì thế bạn sẽ cảm thấy khó thở, thở khò khè và tức ngực.
Nôn, tiêu chảy: Việc đi ngoài và nôn ói liên tục, kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng không loại trừ bị dị ứng thức ăn.
Tụt huyết áp: Các triệu chứng dị ứng nếu kéo dài mà không có biện pháp điều trị tích cực có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, tụt huyết áp và bất tỉnh. Lúc này, cần đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc phòng khám gần nhất để tránh nguy hiểm.
Sốc phản vệ: Mặc dù tỷ lệ bị sốc phản vệ không cao nhưng mức độ nguy hiểm rất lớn, nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bất tỉnh, hôn mê, thậm chí là tử vong.
Hạ Thảo (theo Izvestia)