Trong số hơn 50 triệu người đang chịu khiếp sống nô lệ thời hiện đại, bé gái và phụ nữ là nạn nhân chiếm số đông.
Axit vừa rẻ vừa dễ mua dẫn tới thảm kịch ‘tồi tệ hơn bị giết’ của các nạn nhân
Một lít axit có thể phá hủy cả cuộc đời của một con người, nhưng lại được bày bán rộng rãi và dễ dàng mua được ở hầu hết các cửa hàng tạp hóa ở thủ đô New Delhi, dù Tòa án Tối cao Ấn Độ cấm bán axit không kê đơn kể từ năm 2013.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), với mức giá chưa tới 1 rupee (0,012 USD), khách hàng có thể mua 1 lít axit dễ dàng mà không bị hỏi bất cứ câu hỏi nào liên quan tới lý do mua loại hóa chất nguy hiểm này.
Sau khi chính phủ Ấn Độ ban hành quy định cấm bán axit không kê đơn vào năm 2013 để ngăn chặn những vụ tấn công dã man, chỉ những người được cấp phép mới có thể mua được axit. Tuy nhiên, trong những lần đi khảo sát bất ngờ, Ủy ban Phụ nữ Delhi khẳng định axit vẫn được bày bán tràn lan như xưa.
“Axit vẫn được bán tự do ở khu vực thủ đô. Điều đáng tiếc là chính quyền các quận không kiểm tra hoạt động buôn bán trái phép axit”, bà Swati Maliwal, người đứng đầu Ủy ban Phụ nữ Delhi nói với Times of India.
Theo thống kê, mỗi năm Ấn Độ ghi nhận xảy ra từ 250 – 300 vụ tấn công bằng axit. Song con số thực tế được xem là cao hơn, do nhiều vụ việc không được báo cáo. Tòa án Tối cao Ấn Độ gọi những vụ tấn công bằng axit là “tồi tệ hơn bị giết”, bởi cuộc sống của các nạn nhân khó có thể quay trở lại như trước khi bị tấn công do sự phá hủy khủng khiếp của axit.
Ấn Độ đã khép hành vi tấn công bằng axit vào tội hình sự hồi năm 2013. Tới năm 2015, Tòa án Tối cao Ấn Độ tuyên bố các nạn nhân sẽ được điều trị y tế miễn phí, và được bồi thường tối thiểu là 300.000 rupee (4.500 USD).
Tuy nhiên, các vụ tấn công dã man bằng axit vẫn xảy ra nhan nhản ở Ấn Độ. Như hôm 1/10, 2 người phụ nữ ở Jaipur đã bị một người đàn ông đi xe máy tạt axit vào người. Tới ngày 4/10, 3 thanh niên đã ném axit vào một cô gái trẻ ở lễ hội, khi nạn nhân đang đi cùng mẹ ở Bhopal. Khuôn mặt của nạn nhân đã bị tổn thương nặng nề dưới sự tàn phá của axit.
Trong tuần này, Ủy ban Phụ nữ Delhi đã yêu cầu trừng phạt những quan chức địa phương không thực thi lệnh cấm bán axit. Song trên thực tế, ngay cả khi bị kiểm tra và phát hiện bán axit trái phép, người bán hàng cũng chỉ bị phạt 50.000 rupee (606 USD).
Theo nghiên cứu của Ủy ban Phụ nữ Delhi, chính quyền tại 2 trong số 11 quận ở thủ đô New Delhi không có đợt thanh tra nào về hoạt động bán axit trái phép kể từ năm 2017, và 5 quận chưa từng thi hành lệnh phạt.
Số tiền 36.000 rupee (438 USD) thu được từ việc phạt 13 triệu cửa hàng tạp hóa do hộ gia đình quản lý cũng đã cho thấy mức độ thất bại của lệnh cấm bán axit không kê đơn. Số tiền này quá nhỏ so với sự đau đớn kinh hoàng, cùng chi phí cao cho hàng loạt cuộc phẫu thuật sau khi nạn nhân bị tấn công bằng axit.
Cô Laxmi Agarwal (32 tuổi), người đang tham gia chiến dịch chống lại hoạt động buôn bán axit sau khi lần bị tạt axit ở thủ đô Delhi vào năm 1990, tỏ ra không mấy ngạc nhiên trước báo cáo của Ủy ban Phụ nữ Delhi. Cũng theo cô Agarwal, phần lớn người bán hàng mà cô từng nói chuyện đều nói họ không biết về quy định cấm bán axit không kê đơn.
“Ngay cả khi họ biết, họ cũng sẽ nói axit không nguy hiểm. Các cửa hàng tích trữ sẵn axit để người dân mua về tẩy toilet, nhưng nó vẫn là hóa chất nguy hiểm và không thể để tràn lan trong nhà như vậy”, cô Agarwal nói với Times of India.
Hay như anh Ashish Verma, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phía nam Delhi, cho biết anh không bán axit nhưng rất nhiều khách hàng đã hỏi mua loại hóa chất này.
“Đối với phần lớn người dân Ấn Độ, mua các chất tẩy rửa như Harpic là quá đắt, nên họ mua axit để tẩy nhà vệ sinh và sàn nhà, do nó rẻ mà lại hiệu quả”, anh Verma chia sẻ.
Ông Alok Dixit, nhà sáng lập tổ chức Stop Acid Attacks (tạm dịch: Ngăn chặn tấn công axit), cho hay ông từng chứng kiến axit được bày bán công khai ở các cửa hàng.
“Chuyện này không chỉ xảy ra ở khu vực thủ đô, mà nó diễn ra trên khắp lãnh thổ Ấn Độ. Đơn giản là người dân không nhận thức được vấn đề, nên dù Tòa án Tối cao có ban hành luật cũng không thể áp dụng trong thực tế. Và các vụ tấn công vẫn cứ xảy ra”, ông Dixit nhấn mạnh.
Minh Thu (lược dịch)