ASEAN tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan
Hồi cuối tháng Hai, các quốc gia Đông Nam Á đã tổ chức nhóm họp để thảo luận về sáng kiến chia sẻ thông tin tình báo nhằm giúp các nước đưa ra phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn trước các mối đe dọa an ninh liên quốc gia.
Sáng kiến AOEI có sự tham gia của 6 nước thành viên ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Brunei. (Ảnh: Diplomat) |
Cuộc họp được xem là điểm nhấn cho những nỗ lực nhằm mở rộng phản ứng của khu vực trước chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và toàn châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Trong những năm qua, các nước Đông Nam Á đã đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với chủ nghĩa khủng bố mà một trong số đó là sự ra đời của sáng kiến "Our Eyes" (Đôi mắt của chúng ta) hay còn gọi là AOEI.
Sáng kiến AOEI là một cơ chế hợp tác cụ thể để 6 nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Brunei có thể trao đổi những thông tin chiến lược. Sáng kiến này được đưa ra dựa trên hình mẫu của liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eyes) với sự tham gia của các nước Anh, Mỹ, New Zealand, Australia và Canada.
Ban đầu sáng kiến “Đôi mắt của chúng ta” được Indonesia, Malaysia và Philippines khởi xướng và được xem làm nơi chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên về chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và bạo lực cực đoan. Cuộc họp đầu tiên của AOEI diễn ra ở Jakarta vào năm 2018 và cuộc họp thứ hai được tổ chức ở Semarang vào năm 2019.
Tới ngày 3/3/2020, Indonesia đã chủ trì cuộc họp AOEI lần thứ ba được tổ chức tại Palembang.
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia (Kemhan), cuộc họp AOEI lần thứ ba với sự tham dự của đại diện từ Bộ Quốc phòng các nước ASEAN là minh chứng cho việc trọng tâm của AOEI đang ngày càng nhận được sự quan tâm lớn. Cuộc họp tập trung vào nhiều chủ đề như tác động từ hoạt động suy giảm của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Trung Đông và các đối tác mới trong khối ASEAN tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trong khu vực. Cũng theo Kemhan, cuộc họp còn thảo luận về cơ chế hợp tác trong việc chia sẻ thông tin chiến lược giữa các nước thành viên AOEI.
Hồi năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu từng nhấn mạnh tính cấp thiết của sáng kiến AOEI trong công tác tình báo và phát hiện những mối đe dọa từ IS tại khu vực Đông Nam Á.
Vào thời điểm trên, ông Ryacudu cho rằng, trong phạm vi Đông Nam Á, miền nam Philippines và vùng biển Sulu được xem là thành trì của IS. Ngoài IS, ông Ryamizard cũng lưu ý về mối đe dọa đang ngày càng trở nên hiện hữu từ cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya tại bang Rakhine thuộc phía tây nam Myanmar. Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để, ông Ryamizard quan ngại rằng người tị nạn Rohingya sẽ trở thành các đối tượng bị IS tuyển dụng vào mạng lưới khủng bố.
Trong những năm gần đây, khu vực Đông Nam Á trở thành mục tiêu bị các phần tử khủng bố tấn công. Các vụ tấn công khủng bố do IS thực hiện tại Indonesia, Philippines và một số nước khác đã khiến nhiều người thiệt mạng và gây ra tình trạng bất ổn xã hội.