ASEAN nên "thân" với ai?
Có thể thấy rằng, khu vực Đông Nam Á đang cần một giải pháp thứ ba. Sự cạnh tranh trên vùng biển Thái Bình Dương vì tài nguyên, tầm ảnh hưởng và thanh thế trong khu vực sẽ lớn hơn, và khi lợi ích của hai cường quốc lớn trong khu vực là Mỹ và Trung Quốc xung đột, vị thế của các nước Đông Nam Á cũng sẽ bị lung lay. Đơn giản là bởi thế lực đã có sẽ tìm cách bảo vệ quyền của mình, trong khí thế lực đang lên sẽ luôn tìm cách mở rộng. Với các nước trong khu vực, việc bị kẹp giữa hai siêu cường đang giao tranh với nhau là một cơn ác mộng.
Đây không phải là lần đầu tiên hiểm họa này xuất hiện. Sau khi Mỹ và Liên Xô chấm dứt sự hợp tác của nhau trong Thế chiến II, 29 quốc gia, phần lớn đều mới được giải phóng khỏi các nước thực dân và không muốn trở thành vệ tinh của các siêu cường, đã tập trung tại thị trấn Bandung (Indonesia) để lập nên một tổ chức mà sau này được biết đến dưới cái tên là Phong trào Không Liên kết (NAM).
Phong trào Không Liên kết được thành lập để giúp các nước nhỏ có nhiều khả năng sống sót hơn trước sự cạnh tranh giữa các cường quốc nếu đoàn kết lại. Tuy nhiên nó đã không giúp các nước thành viên có một lá chắn “chống lại các thế lực lớn và các khối quân sự” như chủ tịch Cuba Fidel Castro từng nói, mặc dù lý do thành lập của nó là chính đáng.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại các đảo tranh chấp đã nhận được những phản ứng bất bình từ một số nước ASEAN. |
Đối với các nước Đông Nam Á, họ không cần một Phong trào Không Liên kết, bởi họ đã có Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên. Họ có thể coi là một siêu cường khá lớn: nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, dân số 625 triệu người; tổng sản phẩm quốc nội đạt hơn 2,4 nghìn tỉ USD. Công ty phân tích thị trường McKinsey & Co. dự đoán rằng khối ASEAN sẽ có nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050.
ASEAN được thành lập vào năm 1967, nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ có sự thống nhất. Do quan điểm dân tộc của các nước thành viên trong lúc phát triển kinh tế và thỏa ước “không xâm phạm nhau”, hiệp hội này đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra một hướng đi chung trong khu vực.
Tuy nhiên, tình hình đang dần thay đổi. Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một chương trình đầy tham vọng nhằm lập nên một thị trường chung trên toàn khu vực. Mặc dù nó chưa thể gây được hiệu quả tức thì khi được áp dụng vào cuối năm nay, ngay cả khi vẫn còn trong trứng nước nó cũng thể hiện sự thay đổi về đường hướng trong khu vực,
Cộng đồng này cũng cho thấy rằng về mặt kinh tế, toàn khối hợp lại sẽ mạnh hơn một nước nhỏ. Việc từ bỏ một phần quyền tự quyết trong việc lập ra thuế quan, hoặc cho phép công dân một nước thành viên có thể tự do làm việc tại nước thành viên khác sẽ có thể hấp dẫn các nhà đầu tư và cho phép các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh với các cường quốc kinh tế xung quanh.
Về mặt ngoại giao, các nước cũng sẽ trở nên vững mạnh hơn. Đông Nam Á cần một sức mạnh tập thể để bảo vệ lợi ích của mình. Trung Quốc và Mỹ sẽ luôn theo đuổi lợi ích của họ và các nước trong khu vực sẽ phải đưa ra quyết định cho tương lai của mình.
ASEAN không cần và cũng không thể trở thành một phiên bản Liên minh Châu Âu tại châu Á. Sự khác biệt giữa các nước là rất lớn và mối nước đều có thế mạnh riêng, nhưng họ cũng có những điểm tương đồng, không chỉ vì họ đều nằm trong một khu vực địa lý, và sẽ được lợi nếu cùng nhau hiệp lực.
Như vậy, cuộc xung đột trên Biển Đông sẽ là liều thuốc thử cho một Đông Nam Á đang dần tìm được một tiếng nói chung. Gần như tất cả các nước trong khu vực đều thông thương qua tuyến đường biển qua Biển Đông và nếu các nước đều cùng nhau lên tiếng bảo vệ khu vực này, các nước lớn sẽ rất khó đối đầu.
Trung Quốc cũng nhận thức được rằng đàm phán với một diễn đàn đa phương là rất phức tạp, do đó nước này lên tiếng nói rằng họ muốn ASEAN vững chắc hơn trước việc Mỹ có thể can thiệp. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thừa nhận tại cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) vào tháng 8 rằng: “Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ cùng nhau đảm bảo hòa bình và ổn định của vùng Đông Nam Á”.
Một cộng đồng kinh tế chung sẽ giúp ASEAN trở nên mạnh hơn về nhiều mặt. |
Lập trường chung về thương mại và các vấn đề ngoại giao sẽ giúp các nước Đông Nam Á có thể theo đuổi tương lai của chính mình thay vì luôn phải cân đối những lợi ích của hai cường quốc trong khu vực.
40 năm trước, Tổng thống đầu tiên của Afghanistan Mohammed Daoud Khan đã từng tin rằng ông có thể giữ đất nước mình sống sót trong lúc hai cường quốc đang đấu tranh với nhau. Ông nói: “Tôi thấy hạnh phúc nhất khi có thể châm một điếu thuốc lá Mỹ bằng diêm của Liên Xô”. Chẳng bao lâu sau, ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính còn Afghanistan thì trở thành vũ đài mới của sự xung đột giữa hai siêu cường trên thế giới.
Với Đông Nam Á, lịch sử chưa chắc sẽ lặp lại, tuy nhiên không ai có thể nói trước được những hiểm họa khi vướng vào một cuộc chạy đua giữa hai cường quốc, do đó các nước trong khu vực phải dè chừng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế - chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.