ASEAN lấy người dân làm trọng tâm trong phát triển thành phố thông minh
Trong phiên thảo luận Thiết kế thành phố thời đại 4.0 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội vào giữa tháng Chín, các chuyên gia nhấn mạnh công nghệ có thể làm thay đổi thành phố nhưng kế hoạch phát triển thành phố cần phải dựa vào cuộc sống của chính những người dân sinh sống ở khu vực đó.
Tiến sĩ Janil Puthucheary, Bộ trưởng Giao thông, Truyền thông và Thông tin Singapore. |
Theo Straits Times, tham dự hội nghị là các diễn giả đến từ nhiều nước bao gồm quan chức chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân nhằm tìm ra phương hướng xây dựng thành phố thông minh trong thời đại 4.0.
Việc xây dựng các thành phố thông minh ngày càng nhận được sự quan tâm lớn trong những năm gần đây, khi mà công nghệ đang ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, giữa lúc các nhà lãnh đạo thành phố háo hức xây dựng thành phố kỹ thuật số thì không ít chuyên gia lo ngại cộng đồng dân cư chưa thể thích nghi với mô hình này.
Hoạt động ứng dụng công nghệ nhằm tăng thêm cơ hội và cải thiện hiệu quả của các dịch vụ công là điều không cần bàn cãi, song các nhà thiết kế và kiến trúc sư cho rằng cần đảm bảo những thành phố mục tiêu có được một không gian xã hội để con người tương tác.
Theo Tiến sĩ Janil Puthucheary, Bộ trưởng Giao thông, Truyền thông và Thông tin Singapore, Singapore liên tục thay đổi phương pháp tái thiết nền kinh tế nhưng vẫn tính toán tới môi trường tự nhiên và cơ hội cho người dân.
“Cứ 5 – 7 năm, chúng tôi lại nghĩ về việc nơi đâu cần thay đổi và không gian nào cần thay đổi”, ông Puthucheary chia sẻ.
Tỷ lệ người dân sinh sống ở các thành phố đang tăng nhanh chóng, trong khi quy mô các thành phố lại không thể đáp ứng kịp. Trong thập niên 90, chỉ có 13% dân số sinh sống tại các thành phố, nhưng con số này hiện đã là 4 tỷ người, chiếm tới một nửa dân số thế giới, bà Maria Rebecca Pelaez Plaza, Chủ tịch công ty thiết kế kiến trúc tại Manila Plaza + Partners Inc cho hay.
“Chúng ta cần thiết kế các thành phố lấy con người là trung tâm của kế hoạch phát triển”, bà Plaza nhấn mạnh.
Nhắc tới quá trình phát triển nhanh chóng của thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TP HCM được Pháp xây dựng từ cách đây 100 năm khi đó chỉ có 3 triệu người sinh sống ở thành phố. Tuy nhiên, con số này đã lên tới 10 triệu người trong khi người dân từ khắp các vùng miền vẫn đổ vào thành phố, tạo ra những áp lực lớn cho hoạt động quản lý và cơ sở hạ tầng.
Để gỡ bỏ những khó khăn, TP HCM đang tìm hiểu mô hình của Singapore. Trong đó, TP HCM hướng tới xây dựng một thành phố đảm bảo tăng trưởng bền vững, giải quyết được những vấn đề nan giải như tắc nghẽn giao thông cũng như ngăn chặn những tác động từ thiên nhiên như ngập úng.