ASEAN cần thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực giáo dục
Theo ASEAN Post, thể chế xã hội bao gồm giáo dục, y tế và dịch vụ công đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc cơ sở hạ tầng phần mềm của mỗi quốc gia.
Ngoài đường xá, cầu cống, sân bay và nhiều dự án cơ sở hạ tầng phần cứng khác cần duy trì đà tăng trưởng ổn định trong khu vực, thì những sáng kiến cơ sở hạ tầng phần mềm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tri thức, đổi mới và phương pháp kỹ thuật.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tại Singapore hồi tháng 11/2018. (Ảnh: Reuters) |
Trong hai thập niên qua, ASEAN chứng kiến sự tăng trưởng nhờ chiến lược “hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu”. Đây cũng là trụ cột chính đối với nền kinh tế của phần lớn các nước trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), quá trình dịch chuyển sang ngành dịch vụ là điều tất yếu và hoạt động đầu tư vào những khu vực trọng tâm cần điều phối và duy trì tăng trưởng cũng cần phải được vạch rõ.
AMRO là tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo cho sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của 10 nước thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đầu tư thêm cho giáo dục
Trong khi các nước ASEAN đang triển khai Cách mạng Công nghiệp 4.0, thì phần lớn các chính sách hiện hành chỉ dừng lại ở thời kỳ 3.0.
“Tất cả những chính sách hiện hành mới chỉ hướng về thời kỳ Công nghiệp 3.0. Chúng ta cần đầu tư nhiều hơn cho nền giáo dục và khuyến khích phát triển thêm các kỹ năng cần thiết, duy trì việc học cả đời nếu như chúng ta muốn có được thành công trong thời đại kinh tế kỹ thuật số mới”, nhà kinh tế trưởng AMRO, Tiến sĩ Khor Hoe Ee chia sẻ với ASEAN Post.
Vì giáo dục là lĩnh vực đầu tư dài hạn nên thành quả không thể xuất hiện chỉ trong vài thập niên. Điều này khiến giáo dục trở thành lĩnh vực nhận được ít sự quan tâm và đầu tư đặc biệt là đối với các nước đang phát triển trong khối ASEAN.
Ngay cả bản báo mang tên "Báo cáo Phát triển thế giới năm 2019: Thay đổi môi trường làm việc” của Ngân hàng thế giới (WB) cũng đã nhấn mạnh tới vấn đề giáo dục của ASEAN. Cụ thể, theo bản báo cáo, một lý do khiến chính phủ các nước không đầu tư vào nguồn nhân lực chính là việc thiếu khích lệ chính sách.
Điều này cũng được thể hiện qua việc dữ liệu sẵn có về hệ thống y tế và giáo dục tác động tới nguồn nhân lực cũng đang rất hạn hẹp.
Định nghĩa về nguồn nhân lực của WB bao gồm sự hiểu biết, kỹ năng và sức khỏe. Đây là những yếu tố quan trọng tác động tới cả cuộc sống của một con người cũng như giúp họ nhận ra được tiềm năng cá nhân để trở thành một thành viên hữu ích trong xã hội.
Ngay cả Tổng thư ký ASEAN cũng từng nhấn mạnh rằng, chi tiêu cho giáo dục là đầu tư cho nguồn nhân lực đồng thời đóng góp cho sự hình thành kỹ năng. Từ đây, cải thiện hiệu quả làm việc và năng suất cũng như đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Khoảng cách đầu tư giáo dục trong nhóm CLMV
Công nghệ đang làm phá vỡ những yêu cầu đối với kỹ năng trên toàn cầu, do đó cần có những chính sách giáo dục liên quan để giải quyết một cách hiệu quả. Tuy nhiên, với những khoản quỹ chỉ có giới hạn ở các nước đang phát triển, những người gắn bó với nền giáo dục cần tháo gỡ khó khăn trước khi vận động xây dựng các chính sách giáo dục tốt hơn.
Khoảng cách đầu tư cho giáo dục xuất phát từ mức lương thấp tại các nước đang phát triển cũng đã được vạch rõ trong phần “Xây dựng năng lực và kết nối đối với các nền kinh tế mới” nằm trong bản báo cáo “Triển vọng Kinh tế khu vực 2019 của AMRO”. Theo đó, khoảng cách đầu tư giáo dục được xem là một trong những thách thức mà các nước trong khối đang đối mặt nhằm cải thiện năng lực cơ sở hạ tầng quốc gia.
Trong khối ASEAN, khoảng cách đầu tư giáo dục hiện thể hiện rõ nét nhất trong nhóm CLMV gồm các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Đây là những nước có số tiền tiết kiệm trong nước không đủ để đáp ứng hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đối với Campuchia, Lào và Myanmar, việc thiếu đầu tư trầm trọng vào ngành giáo dục kết hợp với chi tiêu chăm sóc y tế thấp và lao động có kỹ năng chỉ có hạn là những vấn đề chưa có hướng giải quyết triệt để.
Khoảng cách đầu tư thường niên trên toàn cầu cho ngành giáo dục được ước tính vào khoảng 40 tỷ USD. Do đó, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina J. Mohammed đã kêu gọi các quốc gia tăng khoản đầu tư trong nước cũng như kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ thu hẹp khoảng cách này.
Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một trong những tổ chức đáp lại lời kêu gọi của bà Amina thông qua các chương trình như trao gói vay cho Campuchia để nâng cấp cơ sở và thiết bị cho những đơn vị đào tạo kỹ thuật đã được lựa chọn nhằm thu hẹp khoảng cách đầu tư giáo dục.