Áp lực thiếu nhà giá rẻ gia tăng ở TP Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, trong 6 tháng TP không ghi nhận căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2 được bán ra trên thị trường.
Thị trường căn hộ chung cư TP.HCM 6 tháng liên tiếp không ghi nhận căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2 mở bán.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn hình thành trong tương lai của 14 dự án với 11.948 căn hộ. Tổng diện tích sàn là hơn 1,23 triệu m2. Trong đó, căn hộ chung cư là 11.038 căn, diện tích sàn hơn 1 triệu m2. Nhà ở thấp tầng là 910 căn, diện tích sàn hơn 225.400 m2.
Trong đó, phân khúc cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) chiếm đến gần 59% thị phần với 7.040 căn. Phân khúc tầm trung (giá từ 20-40 triệu đồng/m2) chiếm hơn 41% với 4.908 căn. Đáng chú ý, phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) đã "biến mất" trên thị trường.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, so sánh với thị trường của năm 2020, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm hơn 69% với 3.163 căn được bán ra thị trường. Phân khúc căn hộ trung cấp chiếm hơn 27% với 1.243 căn; có 3,6% căn hộ bình dân với 163 căn được bán ra thị trường. Tuy nhiên, đến đầu năm nay thì căn hộ bình dân đã hoàn toàn vắng bóng.
Trong khi đó, theo cáo cáo của đơn vị nghiên cứu JLL Việt Nam, tỷ lệ giá bán căn hộ bình dân so với thu nhập (được tính bằng giá trung bình căn hộ bình dân có diện tích 60m2/thu nhập bình quân khả dụng của hộ gia đình) đã không ngừng tăng lên trong 5 năm qua, đạt 5,4 vào năm 2020, gần tới ngưỡng kỷ lục 5,8 thiết lập vào năm 2007.
Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường của JLL Việt Nam nhận định, nhìn vào tỷ lệ giá bán so với thu nhập ngày càng tăng có thể thấy không có dấu hiệu dư cung trên thị trường. Con số này dự báo thị trường bất động sản đang phát triển không đồng đều và thị trường đang cần có sự điều chỉnh về cấu trúc.
Tỷ lệ giá căn hộ bình dân TP.HCM tiệm cận mức cao lịch sử năm 2007, vượt xa tầm với của người dân.
Theo bà Trang, có nhiều lý do tác động đến mức tăng giá trung bình toàn thị trường. Đơn cử như việc kiểm soát chặt chẽ, quỹ đất có tiềm năng phát triển nhà ở bình dân khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận nguồn dự án tiềm năng cũng vì thế mà hạn chế khiến các nhà phát triển khó có thể tính được bài toán căn hộ giá rẻ.
Hay thủ tục phê duyệt các dự án mới bắt đầu vào cuối năm 2018 bị trì hoãn đã cản trở khả năng khởi động dự án của theo kế hoạch. Do đó, các chi phí phụ phát sinh như lãi vay hoặc chi phí hoạt động cuối cùng được tính vào giá bán.
Không những vậy, nguồn cung hạn chế trong bối cảnh nhu cầu vẫn mạnh làm gia tăng sự tự tin của chủ đầu tư, cộng thêm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch đã dẫn đến chi phí vật liệu xây dựng cao hơn cũng một lần nữa tác động đến giá bán.
Chuyên gia JLL Việt Nam cho biết, với thị trường mới nổi như nước ta, khả năng giá bán quay trở lại mốc trước thời kỳ tăng giá sẽ khó xảy ra.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, tình trạng "lệch pha" khiến thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững.
Đại diện HoREA cho biết, để kéo giảm giá nhà là rất khó, nhà ở xã hội thì nguồn cung nhỏ giọt, hàng loạt dự án đắp chiếu khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời.
Nhà giá rẻ không còn rẻ
Dù có nhu cầu lớn, căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng một m2 hiện không còn nhiều ở các thành phố lớn.
Theo DDDN