Áp lực "nuôi quân", bưu chính mở đa dịch vụ

Vài năm trở lại đây, việc đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cung ứng trên mạng lưới đã góp phần đáng kể giúp các doanh nghiệp (DN) bưu chính nâng cao doanh thu, đồng thời tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người lao động.

Áp lực "nuôi quân", bưu chính mở đa dịch vụ

"Rổ" dịch vụ ngày càng đa dạng

Trên thế giới, việc các nhà khai thác bưu chính triển khai kinh doanh đa dịch vụ để tăng doanh thu đã khá phổ biến. Còn tại Việt Nam, theo phản ánh của một số DN bưu chính cũng như ghi nhận của phóng viên ICTnews, khoảng 3-4 năm trở lại đây, các DN có mạng lưới rộng, đội ngũ nhân lực đông đặc biệt chú trọng mở rộng hoạt động SX-KD, gia tăng thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới.

Cụ thể, tại ViettelPost, từ 2008 đến nay định hướng mở rộng kinh doanh đa dịch vụ được đơn vị kiên trì triển khai. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống là chuyển phát nhanh (CPN) và phát hành báo, Bưu chính Viettel đã cung cấp nhiều dịch vụ gia tăng, tích hợp trên mạng lưới vận chuyển hàng hóa, bưu gửi, gồm có: văn phòng phẩm, đại lý viễn thông, quảng cáo trên phong bì chuyển phát, vận tải hành khách, phát hàng thu tiền (COD), thư ký khách hàng, cho thuê kho bãi và khai thuê hải quan…

Tương tự, với VietnamPost, từ khi thành lập (năm 2008) đến nay, Bưu chính Việt Nam đã hiện thực hóa định hướng chiến lược phát triển dịch vụ theo hướng đa ngành, lấy bưu chính chuyển phát là lĩnh vực cốt lõi, mở rộng phát triển lĩnh vực tài chính-bán lẻ, đại lý kênh phân phối đa dịch vụ, các dịch vụ kinh doanh trên Internet và những lĩnh vực kinh doanh khác nhằm khai thác triệt để ưu thế về mạng lưới sâu rộng và đội ngũ nhân lực đông đảo để tăng nguồn thu. Từ chỗ chỉ cung cấp những dịch vụ truyền thống như chuyển phát nhanh, bưu phẩm, bưu kiện, phát hành báo chí… trong gần 5 năm qua, VietnamPost đã phát triển thêm nhiều dịch vụ mới được phân thành các nhóm: bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, VT-CNTT và các dịch vụ khác. Thống kê sơ bộ, hiện nay "rổ" sản phẩm của VietnamPost đã có tới trên 30 loại dịch vụ.

Còn với Công ty CP tập đoàn Hợp Nhất, sau hơn 10 năm thành lập, để tăng doanh thu và đảm bảo đời sống cho hơn 1.200 cán bộ, nhân viên, DN này đã "lấn sân" sang nhiều ngành nghề khác nhau, gồm: chuyển phát trong nước, chuyển phát quốc tế, phân phối, du lịch, in ấn, phát hành báo và văn phòng phẩm.

Sự gia tăng thêm sản phẩm, dịch vụ mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời góp phần tăng nguồn thu cho DN bưu chính còn được thể hiện ngay trong mảng dịch vụ truyền thống là bưu chính chuyển phát. Đơn cử như, chỉ riêng mảng dịch vụ chuyển phát nội địa, Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành đã cung cấp nhiều loại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng như: dịch vụ hỏa tốc, chuyển phát nhanh, chuyển phát tiết kiệm, dịch vụ đường bộ, dịch vụ xe nguyên chuyến và dịch vụ "chành xe" (chuyển phát hàng từ TP.HCM đi 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ với mức giá vận chuyển thấp hơn và tính theo số lượng kiện hàng, không tính theo khối lượng như dịch vụ CPN của bưu chính).

Áp lực `nuôi quân`, bưu chính mở đa dịch vụ

Thời gian qua, mặc dù còn khá mới mẻ song nhóm các dịch vụ tài chính bưu chính đã đóng góp 20-30% tổng doanh thu tính lương của VietnamPost.

Ảnh: M.T

Thêm việc làm, cải thiện nguồn thu

Trao đổi với ICTnews, Phó TGĐ ViettelPost Phó Đức Hùng cho hay, kinh doanh đa dịch vụ đã giúp DN bưu chính giải quyết nhiều vấn đề, không chỉ góp phần tăng nguồn thu mà quan trọng hơn là đảm bảo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Nếu như từ năm 2007 trở về trước, doanh thu từ dịch vụ CPN chiếm tới trên 90% tổng doanh thu thì đến nay doanh thu từ các dịch vụ gia tăng trên nền dịch vụ lõi của ViettelPost (CPN và phát hành báo) đã đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu. Thu nhập bình quân của người lao động tại ViettelPost tăng từ 3,7 triệu đồng/người/tháng (2007) lên gần 8 triệu đồng/người/tháng (2011).

Cũng theo lãnh đạo ViettelPost, năm 2011, trong điều kiện kinh tế khó khăn, khách hàng "thắt lưng buộc bụng", doanh thu sản lượng dịch vụ CPN bị giảm, nhờ có thêm doanh thu từ các dịch vụ gia tăng như văn phòng phẩm, đại lý viễn thông, kho vận, xuất nhập cảnh VN-Campuchia… mà đơn vị mới hoàn thành được kế hoạch tổng doanh thu năm 2011.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo ViettelPost, đại diện Tín Thành thừa nhận, để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu doanh thu đã đặt ra trong năm 2011, các DN bưu chính, chuyển phát, trong đó có Tín Thành đều phải dựa vào doanh thu từ nhiều loại dịch vụ, không chỉ riêng CPN. Với Tín Thành, doanh thu từ dịch vụ vận chuyển hàng nặng chiếm tỷ trọng lớn hơn cả.

Còn với VietnamPost, từ 2008 đến nay, nhóm dịch vụ tài chính bưu chính tuy mới mẻ nhưng cũng là một nguồn đóng góp đáng kể giúp DN vượt qua khó khăn. Trong 3 năm 2009-2011, nhóm dịch vụ tài chính bưu chính lần lượt đóng góp 29%, 32% và 24% tổng doanh thu tính lương của VietnamPost. Trong 7 tháng đầu năm nay, DN này đạt tổng doanh thu phát sinh gần 5.000 tỷ đồng, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái; và nhóm các dịch vụ tài chính bưu chính tiếp tục đạt mức tăng tăng trưởng ấn tượng, gần 60%, trong khi nhóm các dịch vụ bưu chính chuyển phát chỉ tăng 9,2%.

Mặc dù nhận thức rõ kinh doanh đa dịch vụ là xu hướng phát triển tất yếu song đại diện các DN bưu chính đều cho rằng, việc nghiên cứu, lựa chọn triển khai cung cấp thêm những dịch vụ mới nào trên mạng lưới bưu chính là vấn đề vô cùng quan trọng. Theo đại diện phòng Kinh doanh của ViettelPost, tận dụng mạng lưới và đội ngũ nhân lực sẵn có, đơn vị này đang kinh doanh thử nghiệm các dịch vụ mới như bán vé máy bay, kiều hối, đại lý viễn thông… để xem dịch vụ nào có hiệu quả nhất, trên cơ sở đó mới triển khai rộng.

Đại diện VietnamPost nhận định, một vấn đề cần quan tâm khi triển khai dịch vụ mới là công tác đào tạo cho đội ngũ nhân viên hiểu rõ về dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, nếu gia tăng thêm các sản phẩm cung cấp trên mạng bưu chính mà tiến hành "không khéo" sẽ làm yếu đi mạng lưới, không đạt được hiệu quả mong muốn.

VA/ICTnews

Kỹ sư công nghệ về quê nuôi ốc, thu nhẹ lãi nửa tỷ mỗi năm

Sau hơn 4 năm về quê khởi nghiệp, đến nay chàng kỹ sư trẻ đang sở hữu trại ốc sinh sản với 22 ao bạt cùng khoảng 6.000m2 hồ nuôi ốc thương phẩm. Mỗi năm, anh nhẹ nhàng bỏ túi tiền lãi gần nửa tỷ đồng.

Chương trình Net Zero của Vinamilk nhận giải Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á

Vinamilk là doanh nghiệp ngành sữa duy nhất của châu Á được vinh danh tại hạng mục “Green Leadership” (Lãnh đạo xanh) trong khuôn khổ giải thưởng Doanh nghiệp Trách nhiệm châu Á (AREA).

Ngân hàng chưa mạnh tay phong tỏa, khóa tài khoản lừa tiền, vì sao?

Một ngân hàng lớn đã lên danh sách các tài khoản đáng ngờ suốt 3 năm nay. Từ 1/7, các ngân hàng có quyền mạnh tay quyết định phong tỏa hoặc đóng tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.

SHB - ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho doanh nghiệp SME

Với các giải pháp tài chính bền vững cùng sản phẩm, dịch vụ số đa dạng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, SHB vừa được vinh danh là “ngân hàng tài trợ bền vững tốt nhất dành cho doanh nghiệp SME”.

Khách chuyển khoản đi, tiền bị phanh lại, ngân hàng gửi tin nhắn sững sờ

Câu chuyện một khách hàng chia sẻ, khi một người nhắn tin đề nghị chuyển khoản thanh toán cho món hàng vừa ship, chị thực hiện chuyển tiền, bất ngờ giao dịch bị phanh lại cùng dòng chữ cảnh báo khiến khách vô cùng kinh ngạc.

Xác thực sinh trắc học không có nghĩa là không còn tồn tại lừa đảo

Xác thực sinh trắc học sẽ làm “sạch” tài khoản ngân hàng, ngăn chặn được mua bán hay cho thuê tài khoản. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối để phòng chống lừa đảo trực tuyến.

TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn Top Cup hoàn toàn mới

Tập đoàn TH ra mắt bộ sản phẩm sữa chua ăn Top Cup cao cấp, hoàn toàn từ thiên nhiên, được coi là một “thế hệ sữa chua mới”, với cách thưởng thức độc đáo khi kết hợp sáng tạo sữa chua sánh mịn cùng phần Top Cup (topping) để riêng mới lạ.

Imexpharm khởi động dự án nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp

Ngày 3/7, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm và Deloitte Việt Nam khởi động dự án nâng cấp hệ thống SAP ECC lên SAP S/4HANA, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt hơn cho khách hàng và đối tác.

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền sẽ giải quyết triệt để vấn nạn lừa đảo

Khi đã đăng ký xác thực khuôn mặt, nếu người dùng lỡ bị kẻ lừa đảo lấy được mã đăng nhập và mã giao dịch thì lệnh chuyển tiền đó vẫn không thể thực hiện được, do khuôn mặt xác thực không phải của chủ tài khoản.

KEL Award - vinh danh những tài năng xuất sắc trong thương mại điện tử B2B

Giải thưởng dành cho Nhà lãnh đạo Thương mại Điện tử (KEL Award) lần đầu tiên, được thiết kế để vinh danh những nhà cung cấp thương mại điện tử xuất sắc trong các khu vực Nam Á và Đông Nam Á.