Ảnh hiếm về những chuyến bay xa xỉ trên khinh khí cầu
Theo trang Rare Historical Photos, khinh khí cầu Hindenburg được thiết kế để chở hành khách qua Đại Tây Dương. Nó được coi là khinh khí cầu có kết cấu khung cứng dài nhất (245m) và lớn nhất (đường kính 41,2m), to gấp 3 lần mẫu máy bay Boeing 747.
Vào những năm 1930, khinh khí cầu lớp Hindenburg được nhiều người coi là tương lai của du lịch hàng không và chiếc LZ 129 - mẫu khinh khí cầu hàng đầu của lớp Hindenburg, thường đưa khách đi xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, khinh khí cầu này sau đó đã bị phá hủy trong một tai nạn được coi là "thảm kịch Titanic trên không" và đặt dấu chấm hết cho những kỳ vọng này.
Hindenburg có kết cấu khung cứng với những thanh xà dọc và tròn làm bằng duralumin, một hợp chất của nhôm. Nó cũng rộng hơn các khinh khí cầu khác nên hoạt động ổn định và chắc chắn hơn. Hindenburg có 4 động cơ vận hành và 16 túi khí được lắp giữa các vách ngăn giống như mâm quay. Vỏ ngoài của khinh khí cầu làm bằng bông pha hỗn hợp các vật liệu phản chiếu nhằm bảo vệ các túi khí khỏi bức xạ và tia cực tím, tia hồng ngoại.
Nội thất của khinh khí cầu Hindenburg do Fritz August Breuhaus thiết kế. Boong tàu A phía trên có 25 cabin nhỏ ở giữa, hai bên là các phòng chung lớn. Mỗi cabin bố trí các nút gọi tiếp viên, một chiếc bàn nhỏ có thể gập xuống, một chậu rửa bằng nhựa trắng cùng với vòi nước nóng và lạnh, một tủ để đồ nhỏ có rèm che.
Tuy nhiên, không cabin nào có toilet riêng. Nhà vệ sinh nam và nữ ở boong B. Tại boong B còn có sảnh ăn chung cho phi hành đoàn và phòng hút thuốc. Một trong những điều đáng ngạc nhiên nhất trên khinh khí cầu hydro là phòng hút thuốc. Quầy bar trên khinh khí cầu Hindenburg là một tiền sảnh nhỏ nằm giữa phòng hút thuốc và chốt gió dẫn tới hành lang ở boong B.
Khinh khí cầu Hindenburg đã thực hiện 17 chuyến đi băng qua Đại Tây Dương vào năm 1936 - năm đầu tiên và duy nhất hoạt động trọn vẹn - với 10 chuyến đi đến Mỹ và 7 chuyến đến Brazil. Chuyến chở khách đầu tiên qua Bắc Đại Tây Dương rời Frankfurt, Đức vào ngày 6/5 với 56 thủy thủ đoàn và 50 hành khách, đến Lakehurst, Mỹ vào ngày 9/5.
Khinh khí cầu này hoạt động ổn định và suôn sẻ tới mức hành khách không biết nó bắt đầu di chuyển từ lúc nào. Vào thời điểm đó, giá vé một chiều giữa Đức và Mỹ là 400 USD, tương đương 7.811 USD theo thời giá năm 2021.
Các hành khách đi lại bằng khinh khí cầu Hindenburg thường là những người giàu có, nghệ sĩ, vận động viên nổi tiếng, chính trị gia...
Các bức ảnh cho thấy việc đi lại xa xỉ bằng đường không diễn ra thế nào trên chiếc khinh khí cầu Hindenburg vào những năm 1930. Đây là một phần của bộ sưu tập Airship.net của Dan Grossman.
Hoài Linh