Ăn uống ngoài hàng quán giờ là 'chuyện xa xỉ'
Giá cả thực phẩm tăng cao khiến nhiều người cảm thấy "đau ví" mỗi khi ra hàng và dần từ bỏ thói quen này để chuyển sang nấu ăn tại nhà.
Anh Kim (33 tuổi), một nhân viên văn phòng làm việc tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc than phiền anh không biết những người khác làm cách nào để đối phó với tình trạng giá cả lương thực đang tăng phi mã.
“Chuyện này với tôi thật tàn nhẫn. Không có loại thực phẩm nào mà tôi cảm thấy là rẻ. Tôi buộc phải mang cơm hộp để ăn trưa từ bây giờ”, Korea Times dẫn lời anh Kim.
Giá thực phẩm tăng cao khiến nhiều người từ bỏ thói quen ra ngoài hàng ăn. (Ảnh minh họa) |
Giống như anh Kim, cô Choi (35 tuổi), một phụ nữ chuyên nội trợ ở nhà cho hay “Gia đình tôi thường có thói quen ăn hàng 2 lần/tuần vì các con của tôi thích món gà rán và pizza. Nhưng giờ chúng tôi chỉ dám ra ngoài ăn 1 lần/tuần vì giá cả thực phẩm đang tăng rất cao trong hơn 1 năm qua”.
Không chỉ cô Choi và anh Kim, nhiều nguời dân Hàn Quốc đều cảm thấy “đau ví” mỗi khi ra ngoài hàng ăn mà nguyên nhân chính là vì giá bán lương thực tăng giá mỗi ngày.
Theo số liệu từ Cổng Thông tin Thống kê Quốc gia Hàn Quốc (KOSIS), chi phí ăn hàng đã tăng trung bình 6,6% trong tháng Ba so với một năm trước đó do giá nguyên liệu thô gia tăng, kèm theo chi phí vận chuyển và lương trả cho nhân viên. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/1998, thời điểm Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Cũng theo KOSIS, giá cả toàn bộ 39 món ăn mà người dân Hàn Quốc thường chọn khi đi ăn hàng đều tăng mạnh.
Cụ thể, giá món galbitang (súp thịt bò) có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái với 11,7%, tiếp theo là cháo 10,8%, hamburger 10,4% và cá sống 10%. Ngoài ra, các món phổ biến khác như mì tương đen và gà rán cũng tăng lần lượt là 9,1% và 8,3%.
Ông Chun So-ra, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hàn Quốc, nhận định tình trạng giá cả tăng đột biến tại các nhà hàng thời gian gần đây xuất phát từ chi phí tăng cho nguyên liệu thô và nhu cầu ăn ở ngoài cũng tăng theo, giữa lúc chính phủ Hàn Quốc nới lỏng các biện pháp cách ly để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.
“Ngay cả khi người dân không ra ngoài hàng ăn, họ vẫn có thể đặt thức ăn chuyển tới nhà. Điều này có nghĩa người dân vẫn rút ví để ăn hàng. Giá cả mua nguyên liệu chế biến thực phẩm vẫn tăng, tạo sức ép cho các cơ sở sản xuất thực phẩm tăng giá thêm một khi họ không còn hàng sẵn trong kho”, ông Chun nói.
Xét theo từng khu vực, giá dịch vụ ăn ngoài hàng tăng mạnh nhất là tại thành phố Incheon với tỷ lệ 7,4%, theo sau là đảo Jeju 6,3% và thủ đô Seoul 6,2%.
Không riêng Hàn Quốc
Doanh thu nhà hàng lẩu cay của ông Ma Hong cũng bị giảm khoảng 1/5 so với thời điểm ông bắt đầu mở cửa kinh doanh ở khu trung tâm thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm ngoái. Nguyên nhân là do giá thịt bò đã tăng hơn 50% và chi phí cho các nguyên liệu chính để chế biến món ăn đều tăng theo.
“Chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán như trước đây. Do tác động của dịch bệnh, mọi người đều phải cố gắng. Chuyện này cũng xảy ra ở Bắc Kinh, chúng tôi không phải là cơ sở kinh doanh duy nhất phải chịu cảnh thất thu”, Reuters dẫn lời ông Ma.
Trên thực tế, các nhà hàng và quán ăn vỉa hè ở khắp châu Á đều đang đứng trước lựa chọn khó khăn là cố vượt qua cơn bão giá hoặc phải đóng cửa hàng và mất đi những khách hàng thân thiết.
Ban đầu tình trạng giá lương thực và nguyên liệu gia tăng xuất phát từ việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì sự hoành hành của dịch bệnh Covid-19. Còn hiện tại, tình trạng càng tồi tệ do tác động từ cuộc chiến quân sự giữa Nga – Ukraine. Giá cả tăng phi mã đang gây ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp và khách hàng.
Các hộ gia đình ở châu Á vốn quen thuộc với ẩm thực đường phố được nhận định là đối tượng chịu sức ép kinh tế nhiều nhất.
Ông Mohammad Ilyas, một đầu bếp làm việc tại thành phố Karachi của Pakistan, chia sẻ “Tôi đã làm việc trong gian bếp được 15 năm. Hiện tại giá cả các loại gạo và gia vị đã tăng cao tới mức người nghèo không đủ tiền để mua”.
Để giải quyết tình hình trước mắt, một số hộ kinh doanh quyết định không tăng giá bán mà là cắt bớt khẩu phần. Điển hình, anh Syahrul Zainullah, người bán hàng rong ở một góc phố tại thủ đô Jakarta của Indonesia, cho biết anh đã cắt bớt khẩu phần món cơm chiên nổi tiếng thay vì tăng giá hoặc dùng nguyên liệu kém chất lượng để bán cho khách hàng.
Hay như anh Steven Chang (24 tuổi), một nhân viên làm việc trong lĩnh vực tư nhân, vốn là một khách hàng quen của cửa hàng bán mỳ ramen có tên Just Noodles ở thành phố Đài Bắc, nhưng nay anh buộc phải thay đổi thói quen của bản thân.
“Tôi sống xa bố mẹ vì thế tôi chọn ăn ở nhà hàng. Nhưng nay tôi đang phải cố gắng hạn chế ra ngoài hàng ăn, mà thay vào đó là tự nấu ăn”, anh Chang nói.
'Cái khó ló cái khôn' cho mèo sang nhà hàng xóm chơi 30 phút để đổi lấy 3 quả cam
Sau nhiều ngày không có hoa quả để ăn vì lệnh phong tỏa, chàng trai cho con mèo sang nhà hàng xóm chơi 30 phút để đổi lấy 3 quả cam.
Minh Thu (lược dịch)