Ăn ít vẫn béo bụng, vì sao?
Bạn đọc Trần B. (tranbi…@gmail.com) hỏi: Tôi để ý mình ăn còn ít hơn các bạn cùng lứa tuổi, có nhậu nhưng cũng không nhiều, nhưng mới 45 tuổi đã có bụng khá to. Có khi nào tại cách ăn hay món ăn?
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời: Không chỉ lượng thức ăn, mà cũng cần lưu ý đến các món ăn. Cần hạn chế thực phẩm động vật có nhiều béo, thức ăn nhanh, thức ăn có nhiều đường, bia, rượu. Nên thay thế một phần đạm động vật bằng các loại đạm thực vật như đậu, hạt, nấm. Rau quả, trái cây thì có thể ăn thoải mái vì tốt cho quá trình tiêu hóa, chuyển hóa.
Tạo lập một chế độ ăn và môi trường sống lành mạnh sẽ giảm nguy cơ bị thừa cân, béo bụng (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Cần ăn chậm và nhai thật kỹ, như vậy việc tiêu hóa sẽ tốt hơn, tránh tích mỡ thừa và giảm cảm giác thèm ăn sau đó. Chú ý không ăn gần giờ ngủ, vì như vậy dù có ăn ít và lành mạnh thì vẫn dễ tăng cân.
Nên có thời gian sống hài hòa với môi trường thời tiết tự nhiên, không nên ở thường xuyên trong phòng có điều hòa không khí, vì ở môi trường "máy điều hòa" này thì cơ thể sẽ không bị tiêu hao năng lượng (để điều hòa thân nhiệt trong điều kiện nóng hoặc lạnh) nên dễ có nguy cơ béo phì, béo bụng.
Cần tạo lập một môi trường sống lành mạnh, vệ sinh, an toàn, vì nếu môi trường bị ô nhiễm, cho dù là ô nhiễm trong nhà, cũng có thể tác động tới một số hormone kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Theo nld.com.vn