An Giang triển khai tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Hoà chung không khí kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang cũng đã tổ chức buổi gặp mặt các Mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 200 thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, lịch sử của Đảng bộ An Giang cũng là một lịch sử hào hùng gắn liền với công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ trên một địa bàn biên giới, dân tộc, tôn giáo rất phức tạp như tỉnh ta đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu, thể hiện đầy đủ và sinh động sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ cũng như tinh thần yêu nước cao độ của quân và dân An Giang.
Chính trong cuộc kháng chiến này, quê hương An Giang đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú, đã có trên 50 tập thể và cá nhân được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trên 250 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, khen thưởng trên 25.000 huân, huy chương kháng chiến các loại; gần 9.000 liệt sỹ, 5.000 thương bệnh binh và trên 8.000 gia đình có công với cách mạng...
Bằng nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người có công, tỉnh An Giang được đánh giá làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa. |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, Đảng bộ và Nhân dân An Giang rất đỗi tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương; mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình người có công với đất nước.
Thực hiện theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng.
Nhằm mong muốn bù đắp phần nào cho những hy sinh, mất mát của người có công và gia đình người có công trong tỉnh, với nhiều hoạt động phong phú, nhiều việc làm nhân ái như: Đóng góp cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; chăm sóc thương binh, bệnh binh khó khăn, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, con liệt sĩ mồ côi… trở thành những việc làm thường xuyên của toàn xã hội.
Đặc biệt, việc tổ chức qui tập hài cốt liệt sĩ, đi tìm đồng đội, tu bổ, xây dựng lại Nghĩa trang liệt sĩ được các cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm và tích cực tham gia. Không thể kể hết được những việc làm mà Đảng bộ, Nhân dân ta, ở khắp mọi địa phương trong tỉnh đã và đang làm để bày tỏ lòng biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Đến nay, hơn 38.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước. Hàng năm, ngân sách Trung ương đã dành khoảng 145 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi người có công.
Nguồn ngân sách tỉnh cùng với nguồn vận động của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong 5 năm qua đã cất mới 2.300 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 1.100 căn nhà cho người có công, góp phần ổn định nhà ở cho trên 3.400 người có công trong tỉnh. Các chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho bản thân và con em gia đình chính sách đã giúp cho hàng ngàn người được chăm sóc sức khỏe, có nghề nghiệp và việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh trân trọng trước những cố gắng to lớn của các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, đã tự mình vượt lên trên mọi đau thương, mất mát, không đòi hỏi, ỷ lại vào sự chăm lo của Nhà nước và xã hội, khắc phục khó khăn nhiều mặt để chăm lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình, đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước.
Nhiều đồng chí đã nỗ lực vươn lên trở thành những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho nhiều lao động, xứng đáng cho chúng ta học tập, noi theo. Điều đáng phấn khởi là đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 95% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân địa phương.
Đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh và làm nhiệm vụ Quốc tế trên đất bạn Campuchia, giai đoạn từ 2012- 2016, các đơn vị chuyên trách đã quy tập đưa về cải táng trên 1.120 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc và các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương, bệnh binh, cá bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho đất nước.
Đồng thời, biểu dương các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, Nhân dân trong và ngoài tỉnh đã tích cực cùng Đảng bộ tỉnh chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, các ngành, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.