An Giang đổi thay rõ rệt sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Huy động mọi tầng lớp tham gia xây dựng NTM
An Giang có diện tích tự nhiên 353.668ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 298.439,37ha, là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất vùng ĐBSCL.
Diện tích rộng nên quy mô từng xã cũng lớn, địa bàn trải rộng (từ 2.000-5.000ha/xã, cao gấp 4-8 lần so với các xã miền Trung, phía Bắc), đòi hỏi nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xuất phát điểm của An Giang rất thấp khi có trên 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM. Tỉnh còn thường xuyên đối mặt thiên tai, dịch bệnh, sạt lở, xây dựng công trình phải bảo đảm vượt lũ, xử lý móng kiên cố nên chi phí cao.
Xác định xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Tỉnh ủy An Giang đã luôn phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là vai trò gương mẫu, nhiệt huyết của người đứng đầu, qua đó động viên, khích lệ cho cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc.
Cụ thể, mỗi cán bộ từ xã đến các ấp, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đều là những tuyên truyền viên trong xây dựng NTM. Trong điều hành, tỉnh chọn những xã điểm, huyện điểm để tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM. Từ đó, rút kinh nghiệm và nhân rộng cho các địa phương.
"UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hàng năm, giai đoạn trên cơ sở Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trên cơ sở những nghiên cứu tổng hợp, đánh giá của các sở, ngành chuyên môn và theo yêu cầu thực tế của địa phương, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể theo lộ trình, kế hoạch đề ra", Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nói.
Cũng theo ông Trần Anh Thư, Ban Chỉ đạo tỉnh quan tâm lắng nghe, tranh thủ sự hiến kế của các tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các chương trình, dự án và nguồn kinh phí để tham mưu triển khai thực hiện.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc
Theo ông Trần Anh Thư, trước đây những hộ dân sống dọc theo kênh 13 (bờ xã Núi Tô, Tri Tôn) đi lại rất khó khăn do giao thông cách trở. Bằng nỗ lực xây dựng cầu, đường nông thôn, giờ đây học sinh đi học thuận lợi, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa không còn phải “lụy xuồng”.
Những thành quả tại các địa phương như vậy bắt nguồn từ sự lan tỏa của phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng NTM” đã khuyến khích tinh thần đóng góp của bà con nơi đây.
Cụ thể, khi xây dựng cầu kênh 5 nối 2 bờ kênh 13 (xã Núi Tô và Tà Đảnh, Tri Tôn), có trường hợp một nông dân như ông Lâm Văn Nhơn (ấp Tô Thủy, xã Núi Tô) bỏ ra đến 700 triệu đồng đóng góp xây cầu dù không phải là giàu có; nông dân Lê Văn Uốt (ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh) đóng góp 50 triệu đồng; bà con trong vùng đóng góp 1.347 ngày công để hoàn thành.
Một điểm sáng khác là TP. Long Xuyên, dù là đô thị trung tâm của tỉnh nhưng hệ thống kênh, rạch khá nhiều, bà con khu vực phía trong đi lại không thuận tiện. Giờ đây, hầu hết cầu ở Long Xuyên đều được thay mới bằng cầu bê-tông vĩnh cửu, đường được tráng nhựa hoặc bê-tông hóa.
Kết quả này có được nhờ những nông dân có tấm lòng rộng mở như chú Út Ổi (Nguyễn Minh Lương, ngụ khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Quý), người tự bỏ số tiền túi hơn 8 tỷ đồng để xây cầu nông thôn trên địa bàn thành phố nhưng giải thích rất nhẹ nhàng: “Ai rồi cũng sẽ lại về với đất. Quan trọng là để lại được những gì ý nghĩa cho đời”.
Theo ông Trần Anh Thư, qua 10 năm xây dựng NTM, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 45,38%), 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM mới (TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên) và 1 đơn vị huyện NTM (Thoại Sơn) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận.
Dự kiến đến tháng 12/2019, toàn tỉnh An Giang sẽ có thêm 7 xã đạt chuẩn, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 51,26%), tăng 48 xã so với giai đoạn 2011-2015 và hoàn thành mục tiêu chương trình sớm hơn 1 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh. Hiện nay, bình quân toàn tỉnh An Giang đạt 15 tiêu chí/xã (tăng 8,74 tiêu chí/xã so giai đoạn 2010-2015), không còn xã dưới 9 tiêu chí NTM.