An Giang chăm lo cuộc sống cho nạn nhân buôn người
Nhiều chương trình hỗ trợ
Từ năm 2011 đến nay, các ngành chức năng tỉnh An Giang đã tiếp nhận và hỗ trợ đưa 37 nạn nhân bị mua bán ở các nước như Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Nga... trở về. Theo số liệu thống kê, có 20 người tự nguyện lưu trú tại Trung tâm bảo trợ xã hội để được tư vấn hỗ trợ tâm lý, hướng nghiệp, dạy nghề, hoà nhập cộng đồng. Những trường hợp không lưu trú tại trung tâm thì sẽ được các địa phương hỗ trợ học văn hoá, đào tạo nghề.
Ngoài ra, các sở ngành An Giang còn có các chương trình tập huấn cho những người trở về như kỹ năng tự tạo việc làm, kỹ năng sản xuất, kinh doanh nhỏ, kỹ năng giám sát mô hình tín dụng tiết kiệm nhóm, cũng như hỗ trợ vay vốn.
An Giang có nhiều chương trình hỗ trợ cho các nạn nhân của vấn nạn buôn người khi trở về địa phương. (Ảnh minh hoạ) |
Một trong những chương trình thiết thực khác thể hiện sự quan tâm đối với các nạn nhân của nạn buôn bán người đó là xây dựng nhà tình thương. Cụ thể, tỉnh An Giang đã tiến hành xây dựng 11 căn nhà tình thương cho các trường hợp gặp khó khăn; 17 người được hỗ trợ vay vốn kinh doanh.
Bên cạnh công tác tuyên tuyền trên các phương tiện truyền thông, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức buổi truyền thông theo dạng sân khấu hóa với nội dung hát ca ngợi quê hương, đất nước và thực hiện vở cải lương “Cạm bẫy” để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về của tỉnh An Giang còn một số khó khăn, như khó khăn trong công tác hướng nghiệp bởi những nạn nhân có học vấn thấp, tâm lý thất thường, thiếu định hướng. Nhiều trường hợp khi trở về vì mặc cảm nên không tự khai báo với địa phương. Do vậy địa phương không cập nhật được thông tin cũng như không cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Xây dựng các mô hình hỗ trợ hoà nhập cộng đồng
Với nạn nhân của nạn buôn bán người, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh An Giang đã ban hành kế hoạch tiếp nhận và hỗ trợ để giúp họ hoà nhập cộng đồng. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 như 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; đến năm 2020, xây dựng được các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang đã đề ra 6 giải pháp. Cụ thể, đầu tiên là phối hợp với ngành, đoàn thể liên quan và địa phương tổ chức tiếp nhận nạn nhân và người thân thích được lưu trú ăn, nghĩ, khám sức khỏe, hỗ trợ các chế độ và lập thủ tục hồ sơ cho nạn nhân trở về gia đình theo quy định.
Thứ hai, điều tra rà soát, cập nhật danh sách nạn nhân bị mua bán trở về giai đoạn 2011-2015, bao gồm: số nạn nhân tự trở về, số giải cứu, trao trả, số tiếp nhận và số nghi vấn là nạn nhân để theo dõi, quản lý và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Phối hợp thực hiện quy chế phối hợp liên ngành; xây dựng cơ chế chuyển tuyến cho nạn nhân bị mua bán; hình thành mạng lưới hỗ trợ nạn nhân, đồng thời xây dựng văn bảnn hướng dẫn trình tự, thủ tục tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Thứ tư là nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất cho cơ sở nạn nhân bị mua bán trở về nhằm đảm bảo các điều kiện cho nạn nhân lưu trú, chăm sóc sức khỏe, tư vấn hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý, giới thiệu mô hình Nhà Nhân Ái, tư vấn học văn hóa, học nghề và lập thủ tục trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân trước khi trở về hòa nhập cộng đồng.
Thứ năm, xây dựng mô hình hỗ trợ nạn nhân có hiệu quả tại cộng đồng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân; lồng ghép với chương trình an sinh xã hội sẵn có tại địa phương tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, hạn chế rủi ro trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người vì mục đích di cư tìm việc.
Cuối cùng là tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hco cán bộ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan để thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trong tiến trình tái hòa nhập cộng đồng.