Ấn Độ bố trí S-400 ở biên giới để ‘tóm’ J-20 của Trung Quốc
Ấn Độ được cho là sẽ triển khai hệ thống phòng không S-400 ở khu vực cao nguyên giáp Trung Quốc để vô hiệu hóa máy bay J-20 của Bắc Kinh.
Theo EurAsia Info, Ấn Độ có thể sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 được chờ đợi đã lâu ở khu vực biên giới với Trung Quốc sớm nhất là vào đầu năm 2022 để ‘tóm gọn” tiêm kích tàng hình J-20 của Bắc Kinh.
Công ty Almaz-Antey của Nga khẳng định rằng, hệ thống tên lửa S-400 sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ từ cuối năm 2021. Phó tổng giám đốc của công ty, ông Mikhail Podvijaznikov cho biết: “Đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến việc sản xuất S-400 và chúng tôi không có nhà máy hoặc phân xưởng nào phải ngừng sản xuất, dù chỉ là một ngày”.
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400. Nguồn: Sina. |
Quá trình lắp ráp và thử nghiệm cuối cùng của hệ thống S-400 hiện đang được thực hiện tại Trung tâm khu vực Tây Bắc của Công ty Almaz-Antey. Mỗi hệ thống sẽ được thử nghiệm trong các điều kiện khí hậu khác nhau, chẳng hạn như nhiệt độ cao, thấp, môi trường nhiều ẩm và bụi, cũng như các dải áp suất không khí và độ cao khác nhau.
Theo báo cáo, để chuẩn bị cho việc sử dụng hiệu quả các hệ thống phòng không này sau khi bàn giao, đầu năm nay, Ấn Độ đã cử một nhóm quân nhân tới Nga để học cách vận hành hệ thống S-400.
Khi nói về lịch sử hợp tác quân sự lâu dài giữa Nga và Ấn Độ, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Nikolay Kudashev gọi việc Nga xuất khẩu tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ là một trong những dự án hàng đầu của hợp tác công nghệ quân sự và quân sự Nga - Ấn.
Theo ông Mikhail Podvijaznikov, việc đào tạo quân nhân Ấn Độ tại Nga đang tiến triển thuận lợi, các sĩ quan Ấn Độ có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị do Nga sản xuất nên họ có thể dễ dàng sử dụng các thiết bị mới này trong chương trình đào tạo.
Nga và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 5,43 tỉ USD vào tháng 10/2018 để cung cấp 5 hệ thống tên lửa S-400. Mỹ đã phản đối quyết liệt hợp đồng này, tuy nhiên bất chấp thái độ “khó chịu” của Washington, Ấn Độ vẫn quyết định tiếp tục giao dịch.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã phải trả giá đắt và bị Mỹ trục xuất khỏi chương trình tiêm kích F-35, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ trừng phạt Ấn Độ như đã làm tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ.
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến, là sản phẩm nâng cấp của S-300P và S-200. S-400 lần đầu tiên được triển khai cho quân đội Nga vào tháng 8/2007. Hệ thống này được trang bị radar đa chức năng, hệ thống phát hiện và định vị tự động, phương tiện phóng tên lửa phòng không. Hệ thống có thể tạo thành một lớp phòng thủ nhiều tầng bằng cách phóng ba loại tên lửa khác nhau.
Hệ thống S-400 có thể được sử dụng để đánh chặn máy bay tiêm kích, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Nó có tầm bắn 400 km và độ cao bắn lên tới 30 km.
Ngoài việc có thể phóng tên lửa của hệ thống S-300P, S-400 còn được trang bị 4 tên lửa mới. Nó cũng có thể phóng tên lửa đất đối không tầm trung 9M96E và 9M96E2. Những tên lửa này có tầm bắn tối đa 120 km và có thể tấn công chính xác máy bay chiến đấu và các mục tiêu di động khác.
Mặc dù chưa rõ thông số kỹ thuật của hệ thống S-400 sẽ được chuyển giao cho Ấn Độ, nhưng mỗi hệ thống S-400 mà Quân đội Nga sử dụng bao gồm ít nhất 8 xe phóng và 32 tên lửa.
Ngay cả ở các khu vực cao nguyên ở biên giới phía đông Ladakh, tầm bắn của S-400 cũng có thể bao phủ hoàn toàn khu vực này. Các cuộc thử nghiệm trên diện rộng cho thấy, S-400 có thể được sử dụng ở các khu vực có độ cao trên 3.000 mét so với mực nước biển.
Phía Nga tuyên bố rằng, hệ thống này có thể cung cấp khả năng phòng thủ 100% trước tên lửa và các mục tiêu trên không ngay cả ở các cao nguyên trên 3.000 mét.
Hệ thống S-400 của Nga hoàn toàn có thể triển khai ở những khu vực cao nguyên. Nguồn: Sina. |
Nhiều khả năng, Quân đội Ấn Độ sẽ triển khai S-400 ở các khu vực biên giới, điều này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh quân sự của nước này, đặc biệt là ở các khu vực thuộc tuyến kiểm soát thực tế, nơi mà các mối quan hệ với nước láng giềng đang căng thẳng.
Theo một số chuyên gia quân sự, radar tiên tiến được trang bị trên hệ thống S-400 thậm chí có thể phát hiện các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến như F-35 và J-20. Ông David Stupps, giáo sư hệ thống điện tử và vô tuyến điện của Vương quốc Anh cho biết, radar của S-400 sẽ có thể phát hiện F-35 trong tất cả các chế độ bay, từ đó có thể xác định điểm yếu trong khả năng tàng hình của máy bay này.
Đầu năm nay, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kenneth Juster đã thúc giục Ấn Độ xem xét lại quyết định mua vũ khí và thiết bị của Nga, nói rằng hành động của Ấn Độ có thể cản trở việc Mỹ chuyển giao công nghệ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ trong tương lai.
Trên thực tế, Ấn Độ và Nga là các đối tác quốc phòng truyền thống và 60% vũ khí và thiết bị hiện tại của Ấn Độ đến từ Nga. Trước lời cảnh báo từ Mỹ, Ấn Độ khẳng định việc mua S-400 được thực hiện nhằm bảo vệ Ấn Độ trước những thách thức an ninh đang ngày càng gia tăng trong khu vực, hơn nữa, việc lựa chọn mua sắm vũ khí của quốc gia nào là quyền của Ấn Độ.
Mỹ ‘toát mồ hôi’ vì sợ tên lửa Nga đe dọa NATO ở Biển Đen
Theo các nguồn tin, gần đây Mỹ bắt đầu lo lắng về việc Nga triển khai tên lửa siêu thanh Zircon ở Biển Đen.
Đức Trí (lược dịch)